Thông tin 1.226 người được phong chức danh GS/PGS năm 2017 đã tạo nên một cơn địa chấn làm rung chuyển giới truyền thông. Hàng loạt các ý kiến trái chiều về con số trên, trong bài viết này, tác giả đưa ra các cơ sở khoa học góp phần lý giải nguyên nhân hiện tượng tăng đột biến chức danh GS/PGS và những dự đoán năm 2018.
Nhiều "dịch vụ" chạy theo danh mục phong hàm GS/PGS |
Gia tăng nhu cầu sử dụng và xướng danh GS/PGS
Trong lịch sử Việt Nam, nhiều Giáo sư tiền bối đã làm rạng danh nước nhà, đó là Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Trần Văn Giàu … và gần đây nhất là Giáo sư Ngô Bảo Châu. Năm 2010 nhờ được giải Fields, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức tôn vinh hoành tráng chưa từng có. Có lẽ vì vậy mà trong tiềm thức của người Việt, Giáo sư là người thông thái được kính trọng nhất.
Vào Bệnh viện dễ dàng nhận ra sự khác biệt về giá khám bệnh của các Giáo sư và bác sĩ. Cụ thể ở bệnh viện da liễu Trung ương, Giáo sư khám bệnh: 300 nghìn/1 người, Bác sĩ khám 30 nghìn/1 người.
Tác giả đã “mục sở thị” trải nghiệm đi khám vết nám da trên mặt, cả Giáo sư và Bác sĩ đều “phán” và kê đơn thuốc như nhau. Nhưng người dân ở khắp nơi khi đã đến Bệnh viện luôn xếp hàng chờ Giáo sư khám chứ nhất định không chịu đến bác sĩ khám.
Trong các cuộc tranh luận khoa học ở cơ sở đào tạo nghiên cứu, khi có những ý kiến khác nhau, không ai chịu ai… thì cơ sở đào tạo nghiên cứu đó thường mời Giáo sư nơi khác đến phán xử. Ý kiến kết luận của Giáo sư (dù đúng hay sai) luôn là ý kiến quyết định, ý kiến cuối cùng mọi người phải chấp nhận.
Một số địa phương đưa ra giá mời chào trí thức về làm việc như: Giáo sư về địa phương được hỗ trợ 500 triệu, Phó Giáo sư 250 triệu …
Người dân cũng như các cơ sở đào tạo cả nước trọng dụng Giáo sư quá mức là động lực để nhiều người phấn đấu trở thành GS/PGS, một trong những nguyên nhân làm cho số hồ sơ xét GS/PGS tăng lên từng năm, chưa biết bao giờ mới hạ nhiệt.
Gia tăng đột biến các bài báo khoa học.
Từ năm 2008 đến nay, các Trường Đại học trên cả nước đều yêu cầu Giảng viên phải có bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong danh mục phong học hàm GS/PGS mới đủ tiêu chuẩn xét thi đua và có tiền thường cuối năm.
Càng nhiều bài báo, tiền thường tết càng tăng lên. Chính sách này lúc đầu đã có mặt tích cực, cổ vũ các giảng viên say mê nghiên cứu khoa học và viết bài đăng trên tạp chí. Từ năm 2015, khi có chính sách giảng viên là PGS được đặc cách lên giảng viên cao cấp, thì “phong trào” thi đua viết bài báo khoa học càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nhiều giảng viên có học vị Tiến sĩ “nhường” giờ dạy cho người khác để chuyên tâm viết bài báo khoa học và đến năm 2017 hầu hết đã thừa điểm xét PGS.
Gia tăng đột biến các tạp chí trong danh mục phong học hàm GS/PGS
Hàng loạt các tạp chí trước đây chỉ có chức năng truyền thông, phổ biến kiến thức. Nay do quy luật “cung cầu”, đoán trước được nhu cầu các bài báo khoa học cần được đăng tải, các tạp chí đã phấn đấu bằng mọi giá để tạp chí của mình được nằm trong danh mục các tạp chí được xét phong học hàm.
Chúng ta đều biết, sự bùng nổ số lượng lớn các trường Đại học đã đẩy các Trường Đại học trên cả nước vào thế khó tuyển sinh, nhiều trường Đại học top dưới đã bị phá sản phải đóng cửa.
Tương tự sự gia tăng số lượng các tạp chí vượt quá nhu cầu cũng làm cho nhiều tạp chí “sống dở chết dở”, không đủ bài đăng. Để “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”, nhiều tạp chí đã coi “khách hàng là thượng đế”, áp dụng “cơ chế thoáng” theo phương châm : “phản biện nhanh, đăng kịp thời” để thu hút bài gửi đến tạp chí.
Trước đây, một bài báo khoa học phải qua nhiều khâu phản biện chỉnh sửa, thời gian từ nửa năm đến một năm mới được đăng. Nhưng bây giờ nhiều tạp chí khoa học top dưới (chỉ được tính 0,25 hay 0,5 điểm) sẵn sàng mời chào nhận sửa chữa để đăng các bài bị tạp chí top trên thải loại.
Toàn bộ thời gian nhận bài đến khi đăng chỉ khoảng một tháng, đây là cơ hội để mọi bài báo khoa học đều được lần lượt có mặt trên các tạp chí, tạo điều kiện cho nhiều người đủ điểm bài báo khi xét GS/PGS.Thậm chí có tạp chí còn “mời chào” các giảng viên, các học viên Cao học, các NCS …. đưa quyển luận văn cao học hay các báo cáo đề tài khoa học .. họ sẽ tư vấn để “cắt dán” thêm bớt biến thành bài báo khoa học đăng trên tạp chí.
Tiêu chuẩn xét chức danh GS/PGS không theo kịp thời cuộc.
Thực ra đợt xét GS/PGS năm 2016, nhiều người vẫn tưởng đây là “Chuyến tàu chót mang số hiệu 174". Năm 2017, mọi ứng viên chức danh GS/PGS đều chuẩn bị hồ sơ theo quy định mới.
Đáng lẽ ra nếu không áp dụng tiêu chuẩn mới thì nên dừng lại một năm không xét chức danh GS/PGS để chuẩn bị chu đáo cho bản dự thảo mới thì Bộ giáo dục vẫn duy trì cách xét theo quy định 174, với những tiêu chuẩn cũ quá dễ đối với ứng viên.
Chúng ta đều biết, thời đại Công nghệ thông tin, thời của cách mạng công nghiệp 4.0 là thời đại của cách mạng khoa học và sáng tạo. Khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng ngày một thu hẹp, các thành tựu khoa học nhanh chóng đến tay người sử dụng. Ví dụ, Công nghệ điện thoại từ thạch (telephone) phải mất 75 năm mới đạt 50 triệu người sử dụng, … đến facebook là 3,5 năm, nhưng công nghệ Angry Birds chỉ sau 35 ngày đã đạt số 50 triệu người sử dụng.
Ngày nay Quốc tế đã sử dụng tạp chí online trong danh mục ISI để các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu nên thời gian xuất bản rất nhanh. Theo quy chế cũ, phải có 2 bài báo khoa học đăng trên tạp chí, NCS đủ điều kiện bảo vệ luận án, thì hiện nay học viên Cao học sau khi hoàn thành luận văn cũng có thể có 2 bài báo khoa học như NCS.
Các ngành khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Công nghệ thông tin … hầu hết các NCS đều có công bố Quốc tế trên tạp chí ISI trước khi bảo vệ luận án TS. Trong khi theo bản dự thảo Tiêu chuẩn chức danh GS/PGS, đến năm 2019 mới yêu cầu ứng viên PGS phải có công bố Quốc tế.
Viện Sư phạm kỹ thuật-ĐHBK HN, nơi tác giả công tác, trong 2 năm đầu nghiên cứu, 75% các NCS của Viện có bài trong kỷ yếu Hội thảo Quốc tế. Với những giảng viên có học vị Tiến sĩ, mỗi năm phải có ít nhất 02 bài báo khoa học mới được xét thi đua, nên chỉ sau 4 năm khi bảo vệ Tiến sĩ, số bài báo khoa học thừa đủ tiêu chuẩn PGS theo quy định 174.
Dự đoán
Với những cơ sở khoa học nhằm lý giải nguyên nhân hiện tượng tăng đột biến chức danh GS/PGS năm 2017 vừa qua đã trình bày, tác giả tự tin dự đoán, năm 2018 số GS/PGS có thể tăng lên 2000 người (HAI NGHÌN NGƯỜI). Phần kết luận của bài báo này xin dành cho bạn đọc phán xét.
Tác giả: PGS.TS Ngô Tứ Thành – Đại học Bách khoa Hà Nội
Nguồn tin: Báo Dân trí