Kinh tế

Giá thịt tăng do người dân "ngại" ăn cá biển

Chỉ số nhóm thực phẩm tăng trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng bởi tâm lý người tiêu dùng lo ngại về nguy cơ không an toàn đối với thủy hải sản tại một số tỉnh miền Trung nên chuyển sang dùng thịt gia súc.


Ảnh minh hoạ.

Giá thịt, rau xanh tiếp tục tăng

Báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong tháng 6/2016, giá thịt lợn tại các chợ bán buôn và bán lẻ Hà Nội tiếp tục tăng nhẹ, thịt bò và thịt gà ổn định, một số loại rau xanh tăng giá nhẹ do thời tiết nắng nóng. Trong khi đó, tại các chợ trên địa bàn TPHCM, do nguồn cung dồi dào nên giá thực phẩm khá ổn định, trong khi thời tiết nắng nóng kéo dài khiến giá rau củ tăng.

Khảo sát tại chợ đầu mối Long Biên cho thấy, giá thịt lợn nạc thăn 90.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 85.000 đồng/kg; thịt mông sấn 80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; trong khi giá thịt bò ở mức 240.000 - 250.000 đồng/kg; gà ta sống 85.000 đồng/kg; gà ta nguyên con 105.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn 45.000 đồng/kg. Trứng gà ta 25.000 đồng/chục.

Tại chợ bán lẻ nội ngoại thành, giá thịt lợn cũng tăng khoảng 3.000 đồng/kg; thịt bò mông 260.000 - 265.000 đồng/kg; thịt gà ta làm sẵn nguyên con 105.000 - 120.000 đồng/kg; gà công nghiệp 60.000 - 65.000 đồng/kg; trứng gà ta 30.000 - 34.000 đồng/chục.

Tại siêu thị Vinmart, giá thịt lợn nạc thăn là 128.900 đồng/kg, tăng 3.400 đồng/kg; thịt ba chỉ 129.900 đồng/kg, tăng 10.400 đồng/kg; thịt bò mông giá 308.900 đồng/kg; thịt bò thăn 297.900 đồng/kg, giảm 11.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn loại A giá 206.900 đồng/kg. Tại siêu thị Lotte Mart, thịt lợn nạc thăn cũng tăng 7.000 đồng/kg trong khi thịt ba chỉ 125.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt bò mông giá 294.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg; gà ta giá 132.000 đồng/kg.

Giá các loại rau xanh tại một số chợ Hà Nội tăng nhẹ do thời tiết nắng nóng. Hiện tại chợ đầu mối giá các loại rau, củ, quả như rau mùng tơi 3.000 đồng/mớ; cải xanh 8.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/mớ; cải thảo 9.000 đồng/kg; khoai tây 13.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; cà chua 11.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg. Giá các loại rau xanh tại các chợ bán lẻ như cà chua 15.000 đồng/kg; cải xanh, cải thảo, rau mùng tơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg so với tháng trước.

Riêng giá rau tại các siêu thị có biến động tăng giảm khác nhau, cụ thể: rau muống tại Big C giảm 5.600 đồng/kg nhưng tại Vinmart và Lotte tăng lần lượt là 500 -1.700 đồng/kg.

Thực phẩm tăng giá do "ngại" ăn cá

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có 10 nhóm tăng.

Trong đó, theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,36% do ảnh hưởng bởi tâm lý người tiêu dùng lo ngại về nguy cơ không an toàn đối với thủy hải sản tại một số tỉnh miền Trung nên chuyển sang dùng thịt gia súc, gia cầm cộng với tình trạng tăng cường xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc từ giữa tháng 5 khiến nguồn cung bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng đến diện tích trồng rau nên giá rau tăng cao ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng cũng khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,27%, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,03%.

Trong khi đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14% do nhu cầu xây dựng tăng cao cùng với xu hướng giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng. Tháng 6 là thời điểm nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng, chỉ số giá nhóm du lịch tăng 0,48% so với tháng trước.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng, tuy CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2016 mới tăng 1,72% so với cùng kỳ nhưng áp lực lạm phát sẽ dồn vào 6 tháng cuối năm do giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục và giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm 6 tháng đầu năm nay cũng đã tăng khá mạnh so với năm 2015. Với những diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, giá các mặt hàng này được dự báo sẽ còn tiếp tục biến động trong nửa cuối năm 2016. Với quyền số lớn, giá thực phẩm tăng sẽ tác động mạnh mẽ lên CPI cả năm 2016.

CPI năm 2016 có diễn biến khác so với năm 2015. Năm 2015, giá dầu xuống thấp tới đáy, trong khi, năm 2016 xuất hiện các yếu tố chi phí đẩy lạm phát tăng lên là giá dầu thế giới có xu hướng phục hồi trở lại, giá của các dịch vụ công như dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng cao theo lộ trình; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Do đó nhằm kiểm soát lạm phát tăng dưới 5%, Trung tâm này cho rằng, các Bộ, ngành chức năng cần phối hợp cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động cộng hưởng lên CPI do giá nhiều mặt hàng đồng loạt tăng.

Ngoài ra, dựa trên những phân tích của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại và kết hợp tính toán của phần mềm dự báo, dự báo CPI tháng 7/2016 sẽ tăng khoảng 0,21 % so với tháng trước.

Tác giả bài viết: Phương Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP