Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời UBND thành phố Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Theo đó, về việc định giá nước, bộ Tài chính cho biết, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Tuy nhiên, riêng đối với chi phí lãi vay, bộ yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa tránh tính trùng chi phí.
Viện dẫn cụ thể điều khoản chi tiết tại Luật ngân sách Nhà nước để thực hiện và chi phí lãi vay, bộ Tài chính cho biết, thẩm quyền quyết định chi ngân sách cho cấp bù giá nước sạch đề nghị thành phố Hà Nội căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định phù hợp khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
"Về chi phí lãi vay, trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hoá vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hoá tránh tính trùng chi phí” - bộ Tài chính cho biết.
Giá nước sông Đuống “gánh” hơn 2.000 đồng/m3 phí lãi vay. Ảnh: Dân trí |
Trong việc cấp bù cho các đơn vị bán lẻ, Bộ đề nghị tính toán đúng quy định trên cơ sở phương án giá tiêu thụ nước sạch của đơn vị bán lẻ, không xem xét cấp bù riêng với khoản chi phí mua nước từ CTCP nước mặt Sông Đuống. Liên quan vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm về số liệu, phương án giá theo đúng quy định.
Trước đó, trả lời câu hỏi liệu có hay không việc được “ưu ái” về giá nước, phía công ty này cho biết: “Theo quy định giá thành sản xuất nước áp dụng trên địa bàn Thành phố và các khu vực lân cận do UBND thành phố Hà Nội quy định, phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án, được tính đúng, tính đủ theo các Thông tư hướng dẫn của bộ Tài chính (Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của bộ Tài chính – bộ Xây dựng và bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và được các cơ quan chức năng thẩm định trình phê duyệt theo quy định”.
Theo đại diện công ty này, hiện Nhà máy mặt nước Sông Đuống đang áp dụng mức giá tạm tính 7.700 đồng/m3 trước khi có mức giá chính thức sau khi quyết toán.
Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc sở Tài chính Hà Nội cũng giải thích, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau.
Cụ thể, Nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng. “Rõ ràng quy mô đầu tư giữa hai dự án khác nhau”, ông Hà nói tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 12/11.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng.
“Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội thông tin.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (bộ Tài chính) cho rằng, cũng như điện, nước là nhu cầu thiết yếu đối với người dân, lãi ngành nước hiện rất cao. Việc chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy nước cần qua đấu thầu công khai để tìm được suất đầu tư phù hợp, hiệu quả.
“Trong vụ việc này, cần thanh tra rõ quy trình phê duyệt, thẩm định và làm rõ có đấu thầu hay chỉ định thầu”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần làm rõ vấn đề chi phí lãi vay tính vào giá nước xem có bất hợp lý không, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” rồi để dân è cổ gánh.
Được biết, Nhà máy Nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Đến năm 2030 công suất nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Đây là nguồn nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên.
Tác giả: Vũ Đậu
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật