Thông tin nói trên được ông Đỗ Thắng Hải đưa ra tại cuộc họp tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNN) chiều 26/3. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, buổi làm việc đầu tiên của Chính phủ kể từ khi “siêu ủy ban” này chính thức hoạt động từ tháng 9/2018.
Dự án yếu kém mất tiền tỷ mỗi ngày
Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBQLVNN tại doanh nghiệp (DN), có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước. Đến nay, 19 tập đoàn, Tổng công ty đã được bàn giao thành công.
Theo lãnh đạo UBQLVNN tại DN, do khối lượng công việc dở dang, số lượng doanh nghiệp tiếp nhận lớn, nhiều công việc phức tạp, vướng mắc, khó khăn, có nhiều việc tồn đọng khá lâu chưa được các Bộ xử lý dứt điểm. Ủy ban đã phân loại các công việc theo mức độ cấp bách để ưu tiên xử lý, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, bảo đảm không để xảy ra khoảng trống trong quản lý, ảnh hưởng và tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Gang thép Thái Nguyên đang chìm sâu trong nợ nần (ảnh minh họa) |
Đề cập tới những khó khăn vướng mắc nói trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần chia sẻ với một cơ quan mới là UBQLVNN tại DN. Theo ông Hải, thực ra các vướng mắc thì trước đến nay đã có rồi, như sự phối hợp của các bộ, ngành hay các quy định chưa rõ... vẫn là vấn đề thường xuyên gặp phải.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân trần: Như Bộ Công Thương, trước đó 6 tập đoàn và một số Tổng công ty qua nhiều năm nhưng bây giờ vẫn phải thường xuyên kiểm điểm, thậm chí có một số lãnh đạo, cán bộ vướng vào lao lý, vì vậy với một cơ quan như Ủy ban mà số lượng doanh nghiệp tiếp nhận về lớn như hiện nay thì những khó khăn, vướng mắc là đương nhiên.
“Khi có Ủy ban, cá nhân tôi và Bộ rất mừng, vì chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà nước để tránh những việc như thời điểm cách đây 1-2 năm suốt ngày chỉ có kiểm điểm, thậm chí kỷ luật những việc mà mình không biết là gì xảy ra ở doanh nghiệp.” – ông Hải nói.
Đối với 12 dự án tồn đọng của ngành công thương đã được bàn giao từ ngày 10/11/2018 về chủ sở hữu vốn nhà nước là Ủy ban, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, về nguyên tắc Ủy ban phải tiếp nhận và có trách nhiệm xử lý, vì Bộ Công Thương bây giờ không có nguồn lực và thẩm quyền để xử lý.
“Việc xử lý 12 dự án yếu kém bây giờ đã là việc của “nhà khác” rồi, còn nếu ngành công thương tiếp tục làm thì phải có quy định pháp lý, vì sau 5-10 năm nữa các cơ quan chức năng lại bảo sao không có chức năng mà lại tham gia xử lý để xảy ra việc này việc kia, không được phép làm mà lại cố ý làm, thậm chí là cố ý làm trái...
Để xử lý 12 dự án này thì có rất nhiều việc, đặc biệt là Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 phải xử lý rất sớm vì để lâu sẽ gây thất thoát rất lớn, bởi sáng ngủ dậy đã mất 1,6 tỷ đồng lãi vay.” - ông Hải nhấn mạnh.
Chuyển giao vốn và “nỗi lo” thiếu... vốn?
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề cập tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như một điển hình trong “nỗi lo” của cơ quan quản lý nhà nước sau khi chuyển giao DN về cơ quan quản lý vốn. Đây là doanh nghiệp cổ phần nhưng 100% vốn nhà nước. Hiện nay, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp sự cố nên không đủ năng lực xăng dầu cung cấp cho các doanh nghiệp đầu mối, trong khi có tới 70% trong nước cung cấp và chỉ có 30% là xăng dầu nhập khẩu.
Buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với UBQLVNN tại DN chiều 26/3 |
“Chúng tôi chỉ có một nỗi lo là công ty cổ phẩn nhưng phần vốn nhà nước rất lớn. Ngay thời điểm hiện nay, với chức năng quản lý nhà nước về xăng dầu thì chúng tôi đang rất lo nguồn cung. Với Petrolimex, chúng tôi yêu cầu họ phải nhập khẩu tại nước ngoài về, thậm chí với mức thuế cao hơn mức bình thường (10%) để đảm bảo nguồn cung.
Nếu sau này Ủy ban với chức năng chủ sở hữu nên quyết định chỉ tập trung vào vấn đề về hiệu quả về kinh doanh không đồng ý cho nhập khẩu xăng dầu thì quản lý nhà nước như Bộ Công Thương rất lo lắng nên rất mong muốn có sự phối hợp của các đơn vị.” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.
Sau khi chuyển giao DN sang UBQLVNN, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết một số DN nói rằng các dự án triển khai có “độ trễ”, vì vậy Bộ này mong muốn Ủy ban đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và trình phê duyệt đối với dự án quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng quyết đã được Bộ Công Thương bàn giao. Nếu tiến độ các dự án trọng điểm bị chậm và không hoàn thành được các công trình, dự án trọng điểm thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn và liên quan đến thiếu điện, thiếu năng lượng...
Về việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với những chia sẻ của lãnh đạo Bộ Công Thương và nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là các đơn vị cần làm đúng vai trò của mình. Ủy ban quản lý vốn nhà nước phải nhìn nhận trách nhiệm liên quan đến đầu tư kinh doanh, Bộ Công Thương quản lý nhà nước cũng làm tốt chức năng nhiệm vụ. Mọi thứ sáng như ban ngày, làm gì cũng phải thực hiện theo đúng quy định.”.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí