Theo thống kê, đội ngũ giáo viên hiện nay khoảng 1,3 triệu người (Hình minh họa) |
Sẽ không còn phụ cấp thâm niên
Luật Giáo dục (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Theo đó, chính sách với giáo viên thay đổi như sau: Thứ nhất là quy định chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên mầm non, tiểu học và THCS. Giáo viên mầm non trước đây chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học từ trung cấp nâng lên đại học; giáo viên THCS từ cao đẳng thành đại học. Như vậy, tới đây, toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông đều có chuẩn trình độ đào tạo là đại học.
Thứ hai, nếu trước đây, các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa được nói đến một cách tường minh trong các văn bản, thì nay nội dung này được đưa vào luật.
Thứ ba, Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được hưởng phụ cấp ưu đãi phù hợp với đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Bảng lương mới hiện nay đang được xây dựng là mức lương được trả theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp nghề nghiệp. Ngành giáo dục không có thang bảng lương riêng, nhưng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương của giáo viên ở các bậc học này.
Dự kiến cách tính lương mới sẽ không còn khái niệm lương cơ bản, mà sẽ là lượng tiền ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn. Cách đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo, sẽ thấy lương giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, THCS được nâng lên so với hiện nay, nhất là với giáo viên mới vào nghề.
Về phụ cấp ưu đãi, “chúng tôi đang cố gắng bảo vệ mức phụ cấp ưu đãi cho ngành giáo dục ở mức cao nhất là 30%. Và tới đây sẽ không còn phụ cấp thâm niên. Phụ cấp thâm niên thể hiện sự khác biệt giữa người mới vào ngành và người công tác trong ngành lâu năm. Theo tinh thần mới, phụ cấp sẽ không theo hướng càng lâu năm càng cao. Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh.
25% đội ngũ cần đào tạo lại
Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên tiểu học sẽ phải dạy 2 buổi/ngày. Công việc vất vả hơn, liệu thu nhập có cao hơn? Trả lời câu hỏi này, theo ông Minh, ở bậc tiểu học, trình độ đào tạo của giáo viên được nâng lên từ trung cấp lên đại học, nên đây cũng là bậc học có thay đổi mạnh nhất. Bảng lương thiết kế theo tinh thần cập nhật ngay với chuẩn mới. Như cách tính hiện nay, mức lương ban đầu với hệ trung cấp là 1,86; hệ đại học là 2,34; riêng điều đó cũng cho thấy mức tăng của lương giáo viên tiểu học.
Hiện ngành giáo dục đã có một cơ sở dữ liệu phản ánh được bức tranh thực trạng đội ngũ hiện nay ở các vùng miền, các tỉnh ở tất cả các bộ môn. Đồng thời, Bộ trưởng GD-ĐT đã gửi công văn thể hiện toàn bộ việc thừa thiếu nhu cầu giáo viên để làm cơ sở cho Bộ Nội vụ có phương pháp tiếp tục đề xuất, bổ sung; đặc biệt với những vùng khó khăn, khu công nghiệp…
Đồng thời, Bộ đã có phương án bồi dưỡng, lộ trình đào tạo cho giáo viên khi chưa đạt chuẩn để đáp ứng được yêu cầu công việc. Đội ngũ giáo viên hiện nay khoảng 1,3 triệu, tuy nhiên lực lượng cần phải đào tạo lại để nâng chuẩn của bậc mầm non, tiểu học và THCS là khoảng 400 – 500 ngàn người. Có những việc nâng chuẩn rất nặng, như tiểu học từ chuẩn trung cấp vọt lên đại học, đó là một khoảng lớn. Ở bậc THCS, còn đến 40% đội ngũ chưa đạt trình độ đại học. Nếu tính trung bình tất cả các cấp thì tổng khoảng 25% đội ngũ cần đào tạo lại.
Dự kiến tháng 4/2020 sẽ có Nghị định về thực hiện lộ trình đào tạo giáo viên đáp ứng chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục sửa đổi. Tới đây, các tiêu chuẩn của giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục cũng đang được xây dựng và công bố cùng các chương trình bồi dưỡng để hệ thống quản lý các cấp đều có các chuẩn nghề nghiệp phù hợp yêu cầu.
Thực tế hiện còn thiếu giáo viên bộ môn, Bộ có tính đến phương án hợp đồng giáo viên hay không? Ông Minh cho biết, Bộ mới đây có chỉ thị nhấn mạnh nội dung rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc “ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”; xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm mà không thực hiện tuyển dụng viên chức. Khi thực hiện hết số biên chế được giao và đã tính đến cả những trường hợp hợp đồng được tuyển dụng mà vẫn thiếu thì phải tiếp tục đề xuất giải pháp; nếu thừa thì phải cắt đúng theo quy định…
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai cuốn chiếu theo từng lớp. Từ năm học 2020-2021 sẽ áp dụng với lớp Một trên toàn quốc. Năm học 2021-2022 với lớp Hai và Sáu; năm học 2022-2023 với lớp Ba, Bảy và Mười; năm học 2023-2024 với lớp Bốn, Tám và Mười một; năm học 2024-2025 với lớp Năm, Chín và Mười hai. TS. Thái Văn Tài (quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT), cho biết, toàn quốc hiện có khoảng 400 ngàn giáo viên tiểu học, tỷ lệ giáo viên trên lớp bình quân cả nước đạt 1,42. Trong đó, số giáo viên chưa vào biên chế chiếm 15%, rơi vào nhóm dạy môn chuyên như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Năm học 2019-2020, sĩ số bình quân cả mước là 30 em/lớp. Một số địa phương, vùng trung tâm phát triển nóng, tăng dân số cơ học cao dẫn đến sĩ số học sinh cao như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, TP HCM… Áp lực sĩ số là có, tuy nhiên không phải cao ở mặt bằng chung mà chỉ tập trung một vài vùng cá biệt. TS Tài cho biết, Bộ đã tham mưu với Chính phủ có nhiều chính sách phát triển giáo dục đối với những vùng này ngay từ bậc mầm non. Cụ thể, yêu cầu các tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân; các địa phương tăng cường tuyên truyền việc phân tuyến tuyển sinh để khắc phục bước đầu áp lực sĩ số; các địa phương tận dụng tối đa và dành các cơ sở vật chất hiện có để ưu tiên đủ lớp học cho học sinh… |
Tác giả: Uyên Na
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam