Giáo dục

Gần 80 trường đại học tham gia nhóm xét tuyển phía Nam để lọc ảo

Đến hôm nay (11/5), 77 trường đại học từ tỉnh Quảng Bình trở vào đã tham gia nhóm nhóm xét tuyển phía Nam. Việc các trường lập nhóm xét tuyển chung giúp hạn chế tình trạng thí sinh ảo, đồng thời thuận lợi hơn trong khâu xét tuyển của các trường ĐH.

Trong nhóm xét tuyển, ngoài việc các trường được quyền tải dữ liệu của riêng trường mình, khi các trường đã thống nhất, Bộ GD-ĐT sẽ gửi cho trường chủ trì chạy phần mềm lọc ảo cả gói dữ liệu của tất cả các trường trong nhóm.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế năm 2016

Từ việc sử dụng chung dữ liệu xét tuyển, các trường sẽ biết được những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng trên ở trường khác nhưng có thể trúng tuyển vào trường mình ở nguyện vọng thấp hơn. Trên cơ sở đó, trường đưa ra mức điểm chuẩn phù hợp và giảm thiểu tối đa độ ảo trong việc gọi thí sinh trúng tuyển.

Ths Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM - một đơn vị tham gia nhóm xét tuyển này chia sẻ: Các trường xác định đây là một “cuộc chơi” chung nên không thể nằm ngoài sẽ khó có được thông tin của nhau để định ra ngưỡng điểm. Đây là được xem là một kênh chính thống để các trường phơi bày dữ liệu ra, giúp các trường thuận lợi hơn khi định hướng tuyển.

Ông Sơn nhận định rằng, việc tham gia nhóm xét tuyển là một biện pháp các trường giải bài toán giảm ảo, khi các trường cùng ngồi lại với nhau để cùng bàn tính và thống nhất phương án tuyển sau khi thí sinh có điểm. Các trường sẽ đưa ra những phương án lọc ảo, những cam kết để làm sao giải quyết bài toán ảo.

“Trong quá trình xét tuyển, các trường sẽ trao đổi với nhau để biết điểm tuyển của từng trường để tránh trường hợp ảo. Khi một trường điều chỉnh điểm thì các trường khác cũng bị ảnh hưởng theo. Nếu các trường cùng xác định tỉ lệ ảo khoảng 10% thì các trường khác cũng có thể dựa vào đó để thay đổi. Khi tham gia vào nhóm thì các trường sẽ có cam kết về mặt uy tín với nhau để định ra mức tuyển và sẽ không điều chỉnh. Nếu không ngồi lại với nhau thì các trường sẽ không biết được trường kia sẽ tuyển như thế nào”, ông Sơn nói.

Các trường tham gia nhóm xét tuyển này cũng cho rằng, sự ra đời của nhóm cũng mang lại thuận lợi hơn cho thí sinh. Theo ông Sơn, “nếu thí sinh điểm cao đăng ký đúng ngành, trường mình yêu thích và phù hợp thì sẽ không bao giờ trượt đại học và sẽ luôn trúng tuyển vào trường mình yêu thích nhất. Bởi vì các trường đã phân định rõ với nhau từng mức điểm, nhìn thấy dữ liệu của nhau để từ đó đặt ra ngưỡng điểm phù hợp. Những thí sinh ở mức điểm trung bình sẽ lọc ra, các em sẽ không bị rớt và không phải lựa chọn lại. Việc các trường không ngồi lại với nhau thì sẽ dẫn đến tình huống thí sinh đã lựa chọn nhưng không đạt yêu cầu mong muốn”.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: dự kiến ngày 15/5, sẽ gút lại danh sách các trường tham gia nhóm. Sau đó sẽ thảo luận xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi dữ liệu và xem xét trường nào có thực lực đứng ra chạy phần mềm dữ liệu chung. Các trường tham gia với tinh thần tự nguyện nhưng phải ký vào cam kết tham gia luật chơi để đảm bảo không rời nhóm vào giờ chót, gây xáo trộn trong hệ thống, rối loạn xét tuyển.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết từ 8h ngày 15/5 đến 17h ngày 16/5, Bộ sẽ mở cổng thông tin tuyển sinh để các trường tải toàn bộ cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 vào trường mình để nghiên cứu, tham khảo.

Tác giả: Lê Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP