Xe

Gần 4 triệu ôtô phải thay túi khí tại Australia

Ngày 27/2, chính phủ Australia công bố chiến dịch chưa từng có liên quan tới hầu hết những thương hiệu ôtô quen thuộc.

Vụ triệu hồi bắt buộc đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô Australia với khoảng 2,3 triệu xe diễn ra sau vụ triệu hồi tự nguyện với 1,7 triệu xe hồi cuối 2017. Tuy nhiên, trong thông báo đưa ra ngày 27/2, các nhà chức trách không đề cập đến việc có trừng phạt chủ xe hoặc hãng xe không chịu thực hiện việc sửa chữa, thay thế hay không, theo Herald Sun.

Hiện đã có hơn 100 triệu xe trên khắp thế giới liên quan tới cơn ác mộng về độ an toàn với hơn 23 trường hợp tử vong và 230 trường hợp chấn thương trên khắp thế giới liên quan tới túi khí Takata bị lỗi. Tháng 7/ 2017, ở Australia, một người đàn ông 58 tuổi ở Sydney thiệt mạng do mảnh kim loại từ túi khí ở vị trí người lái trên chiếc Honda CR-V. Tháng 4 cùng năm, một cô gái 24 tuổi ở Northern Territory bị thương ở đầu khi túi khí Takata trên chiếc Toyota RAV4 bị vỡ sau tai nạn.

Bơm túi khí lỗi có thể nổ rất mạnh khi xe gặp va chạm khiến mảnh vỡ kim loại găm vào người trên xe. Ảnh: News.com.au.


Các hãng xe sẽ phải thay thế túi khí lỗi miễn phí "nhanh nhất có thể". Gần như mọi hãng ôtô đều có tên, gồm Toyota, Mazda, Honda, Nissan, Mitsubishi, Ford, Holden, Audi, BMW, Mercedes, Lexus, Porsche và Ferrari. Ngoài ra còn có Skoda, Land Rover, Audi, Tesla, Jaguar và Mercedes. Thậm chí một vài mẫu môtô của Honda có túi khí cũng bị triệu hồi.

Vụ triệu hồi dự kiến gây bất tiện cho hàng triệu gia đình Australia, nhưng lo ngại về những mối nguy hiểm tiềm tàng khiến chính phủ nước này quyết định rằng hành động là không thể tránh khỏi. Đây cũng là một trong những đợt triệu hồi sản phẩm lớn nhất ở quốc gia này và nối tiếp đợt triệu hồi tự nguyện với 1,7 triệu xe hồi cuối 2017 của các hãng gồm Toyota, Mazda và Honda. Tổng cộng, gần 4 triệu xe bị triệu hồi.

Trước đó, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Australia (ACCC) đề xuất triệu hồi lên chính phủ liên bang. Ưu tiên hàng đầu dành cho việc thay túi khí Alpha của Takata - loại được cho là có nguy cơ an toàn đáng báo động nhất - với số lượng xe ước tính 25.000 chiếc. Các tài xế cũng được cảnh báo nếu ôtô lắp túi khí Alpha và rằng không nên tiếp tục sử dụng xe.

Takata sử dụng hợp chất amoni nitrat dễ bay hơi rất nguy hiểm trong bơm túi khí, bộ phận quan trọng đẩy túi khí bung. Trường hợp có va chạm, bơm túi khí bị lỗi nổ quá mạnh khiến mảnh vỡ kim loại găm vào người trên xe.

Những tổn thương liên quan tới túi khí Takata được liệt kê gồm việc hỏng thị lực, các vết rách ở mặt, cổ và trên cơ thể, đứt dây thanh quản, tổn thương phần đầu trong đó có chấn thương sọ não.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng quá trình triệu hồi không hiệu quả như mong muốn. Các nhà chức trách lo ngại một số hãng xe có thể không hành động thỏa đáng trước nguy cơ mất an toàn đang hiện diện - yếu tố tỷ lệ thuận sau khi túi khí có hơn 6 năm tuổi đời. Các hãng sản xuất được yêu cầu tích cực thông báo triệu hồi và thay thế túi khí trong vòng hai năm tới. Có nghĩa mọi túi khí Takata bị lỗi phải được thay thế cho đến tháng 12/2020, với ưu tiên dành cho xe đã trên 6 năm sử dụng.

Australia là một trong số ba quốc gia trên thế giới có người bị tử vong do lỗi túi khí Takata, bên cạnh Mỹ và Malaysia. Cùng ngày ra thông báo 27/2, ACCC cũng cung cấp danh sách chi tiết mọi mẫu xe của tất cả các hãng trong diện triệu hồi. Một số hãng đã bắt đầu liên hệ với các chủ xe từ 2017. Hạn cuối để các hãng cung cấp đủ thông tin về số xe triệu hồi là ngày 2/4.

Số lượng khổng lồ xe triệu hồi có thể khiến một số chủ xe phải chờ ít nhất 6 tháng do thiếu linh kiện, các vấn đề về bổ sung thiết bị và không đủ nhân công được huấn luyện để lắp túi khí, theo cảnh báo của Tổ chức người tiêu dùng Australia (Choice). Trong khi đó, ACCC khuyến cáo các hãng không nên trì hoãn việc thay thế túi khí. Còn chủ của một số mẫu xe châu Âu khiếu nại, họ được các đại lý thông báo rằng túi khí an toàn "đã hết hàng".

Tác giả: Mỹ Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: túi khí , Australia

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP