Giáo dục

Gần 100 ứng viên bị loại khỏi danh sách xét giáo sư, phó giáo sư

Năm nay có 356 ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên được Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2022. Theo đó, 356 ứng viên được hội đồng giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022.


So với danh sách ứng viên được hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022, đã có 86 ứng viên bị loại, trong đó có 16 ứng viên GS và 70 ứng viên phó GS.

Xét theo ngành: Kinh tế và Công nghệ thông tin có 11 ứng viên bị loại; Y học: 10 người; Điện - Điện tử - Tự động hóa: 8 người; Hóa học - Công nghệ thực phẩm, Sinh học: 6 người, Vật lý, Xây dựng - Kiến trúc: 5 người, Nông nghiệp - Lâm nghiệp, Giao thông vận tải: 4 người.

Sau vòng xét duyệt ở Hội đồng Giáo sư ngành thì Hội đồng giáo sư ngành Tâm lý học không còn ứng viên nào đối với cả hai chức danh GS, PGS.

Những ngành không có ứng viên nào bị loại là Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản, Luật học, Dược học, Văn học, Luyện kim, Cơ học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học.

Riêng Hội đồng giáo sư ngành Khoa học quân sự và Khoa học An ninh không công khai ứng viên.

Trước đó, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách ứng viên được đề nghị xét GS, PGS năm 2022 do các Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị, gồm 479 người.

Xem danh sách cụ thể ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022 tại đây.

Danh sách ứng viên PGS năm nay ghi nhận nhiều người tuổi đời còn khá trẻ.

Các ứng viên PGS trẻ nhất là Hoàng Thanh Tùng, chuyên ngành sinh học, sinh năm 1989, Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ quốc gia; Ứng viên Đoàn Văn Trường, sinh năm 1989, chuyên ngành xã hội học, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Ứng viên Đỗ Hoàng Sơn, chuyên ngành toán, sinh năm 1988, viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Ứng viên Trần Ngọc Đăng, chuyên ngành y học, sinh năm 1988, Trường ĐH Y dược Tp.HCM.

Ứng viên Huỳnh Trọng Phước, sinh năm 1988, ứng viên PGS ngành xây dựng, Trường ĐH Cần Thơ.

Ngành kinh tế cũng có 4 ứng viên PGS đều sinh năm 1988

Hội đồng giáo sư ngành kinh tế có đông ứng viên nhất với 48 người (3 ứng viên giáo sư và 45 ứng viên PGS).

Hội đồng giáo sư ngành tâm lý học năm nay chỉ có ứng viên duy nhất được đề nghị từ hội đồng giáo sư cơ sở nhưng sau khi xét tại các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành thì ứng viên này cũng bị loại.

Đặc biệt, NSƯT Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, có tên trong danh sách ứng viên PGS chuyên ngành nghệ thuật của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành văn hóa - nghệ thuật - thể dục thể thao. Ông sinh năm 1981, từng đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997. Trước đó, Bùi Công Duy tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và là người nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của dàn nhạc dây danh tiếng trên thế giới Virtouse Moscow.

Năm 2021, tổng cộng 640 ứng viên đăng ký và nộp hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh (88 ứng viên GS, 552 ứng viên PGS) tại 98 Hội đồng Giáo sư cơ sở.

Sau quá trình đánh giá và xét duyệt, các Hội đồng Giáo sư cơ sở chuyển hồ sơ của 494 ứng viên (66 ứng viên GS và 428 ứng viên PGS) đủ điều kiện lên xét tại Hội đồng Giáo sư của 27 ngành/liên ngành.

Từ 494 ứng viên, Hội đồng Giáo sư các ngành, liên ngành đã xem xét loại 79 ứng viên chưa đạt tiêu chuẩn và đề nghị Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét 415 ứng viên đạt chuẩn chức GS, PGS (44 ứng viên GS và 372 ứng viên PGS).

Theo quy trình xét công nhận GS, PGS, các đại học thành lập hội đồng cơ sở để thẩm định hồ sơ, nghe ứng viên trình bày báo cáo khoa học tổng quan, đánh giá về chuyên môn, nghiệp vụ, và kiểm tra năng lực ngoại ngữ. Sau khi thông qua danh sách ứng viên đủ điều kiện, hội đồng cơ sở gửi danh sách lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ giao cho Hội đồng ngành, liên ngành thẩm định trước khi xem xét và thông qua danh sách đạt tiêu chuẩn. Thông thường, danh sách GS, PGS sẽ được công bố vào tháng 11-12 hàng năm.

Khi được công nhận chức danh GS, PGS được hưởng các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục. Giảng viên có chức danh GS, PGS sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe và nhu cầu.

GS, PGS được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập vận dụng quy định đối với nhà giáo thuộc biên chế của cơ sở giáo dục công lập để thực hiện chế độ đãi ngộ phù hợp với nhà giáo là GS, PGS.

Tác giả: Trúc Chi

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: Phó Giáo sư , giáo sư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP