Future Bus CityPilot thực chất được phát triển dựa trên mẫu xe buýt Citaro dài 12 m của hãng Mercedes-Benz. Xe sử dụng động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng Mercedes-Benz OM 936 với công suất tối đa 299 mã lực.
Tuy nhiên, điểm nhấn của Mercedes-Benz Future Bus CityPilot lại nằm ở mặt công nghệ. Theo hãng Mercedes-Benz, Future Bus CityPilot thừa hưởng công nghệ từ mẫu xe tải tự vận hành Actros.
Thiết kế nội thất của Mercedes-Benz Future Bus CityPilot tạo cảm giác mở với bên ngoài và lấy cảm hứng từ các quảng trường cũng như công viên đô thị. Bên trong mẫu xe buýt này có 3 khoang khác nhau. Hành khách sẽ chọn khoang ngồi tùy thuộc vào quãng đường dài/ngắn mà họ sẽ di chuyển.
Buồng lái dành cho tài xế xe buýt cũng nằm trong khoang chính của Mercedes-Benz Future Bus CityPilot thay vì tách riêng. Trước mặt tài xế có một màn hình lớn để hiển thị thông tin. Ngoài ra, tài xế có thể sắp xếp thông tin hoặc bật chương trình giải trí cho hành khách thông qua màn hình.
Trên thực tế, theo hãng Mercedes-Benz, Future Bus CityPilot có thể cải thiện độ an toàn vì không mắc phải những sai lầm giống con người. Không dừng ở đó, mẫu xe buýt này còn có thể giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và tăng cảm giác thoải mái vì vận hành êm ái hơn mà không cần đến người lái.
Để làm được như vậy, hãng Mercedes-Benz đã trang bị 10 camera có tác dụng quét đường phía trước và xung quanh xe. 4 cảm biến radar phạm vi hẹp sẽ giám sát quãng đường cách xe từ 500 - 10.000 mm. Trong khi đó, 2 camera sẽ cung cấp hình ảnh 3D và phát hiện chướng ngại vật trong khoảng cách 50 m.
Quãng đường phía trước sẽ được giám sát bằng hệ thống radar phạm vi hẹp và rộng. Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS, camera giám sát làn đường và 4 camera khác sẽ được dùng để định vị chiếc xe buýt trong không gian xung quanh.
Thêm nữa là 2 camera hướng xuống đất để "đọc" bề mặt đường. 3 chiếc còn lại sẽ lưu những dữ liệu khác của hành trình như sự dịch chuyển của xe buýt và hành động của tài xế.
Dữ liệu từ những hệ thống này sẽ được tập hợp lại và tạo ra bức tranh chính xác về tình trạng xe buýt và môi trường xung quanh. Nhờ đó, người lái có thể tránh những chướng ngại vật trên đường, kể cả người đi bộ. Chưa hết, xe buýt còn có thể nhận dạng các đèn tín hiệu giao thông để đi qua những đoạn đường giao cắt một cách an toàn. Khi phát hiện chướng ngại vật, xe buýt sẽ tự động phanh, dừng lại và mở cửa.
Không chỉ công bố thông tin và hình ảnh, hãng Mercedes-Benz còn đưa xe buýt Future Bus CityPilot đến tuyến đường Airport Line 300 Bus Rapid Transit (BRT) từ sân bay Amsterdam-Schiphol đến Haarlem của Hà Lan để chạy thử. Đây là tuyến xe buýt nhanh dài nhất châu Âu.
Tại đây, Mercedes-Benz Future Bus CityPilot đã chạy hết quãng đường 20 km và đạt vận tốc 70 km/h. Ngoài ra, xe còn dừng tại các điểm chờ, mở/đóng cửa, chấp hành đèn tín hiệu giao thông và tránh thành công chướng ngại vật xung quanh, bao gồm cả người đi bộ lẫn ô tô khác.
Với Future Bus CityPilot, tập đoàn mẹ Daimler của Mercedes-Benz, đã trở thành nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới đưa xe buýt tự vận hành ra điều kiện giao thông thực. Tuy nhiên, để đưa Future Bus CityPilot từ ý tưởng thành xe thương mại, hãng Mercedes-Benz sẽ phải xây dựng làn đường riêng trên tuyến BRT.
Tác giả bài viết: Hàn Quang