Cầu vượt Quốc lộ 14B nối đường vành đai Hòa Phước - Hoàn Khương với đường vành đai phía Tây bị ngừng thi công giữa chừng (Ảnh: V.Q) |
Liên quan đến những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, chi trả bồi thường, bố trí tái định cư khiến Dự án thi công đường vành đai phía Tây đến nay vẫn chưa hoàn thành theo dự kiến, vào sáng 17/2, ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã có buổi làm việc với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề này.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Dự án đường vành đai phía Tây có điểm đầu tại Quốc lộ 14B (xã Hòa Khương). Điểm cuối của dự án nằm tại Km19+177,30 nối trục đường chính của khu công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Liên). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 19,3km.
Dự án đường vành đai phía Tây vẫn đang ngổn ngang sau hơn 2 năm thi công (Ảnh: V.Q) |
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn Trái phiếu Chính phủ) và vốn ngân sách TP. Dự án được khởi công chính thức vào tháng 10/2018, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020.
Theo đó, tổng diện tích đất phải thu hồi để phục vụ dự án gần 100ha, thuộc địa bàn các xã Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Phong và Hòa Liên (huyện Hòa Vang).
Trong đó, diện tích đất ở chiếm 18,2ha (370 hồ sơ); Đất nông nghiệp chiếm 23,8ha (900 hồ sơ); Đất khác chiếm hơn 56ha (325 hồ sơ). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang "đứng bánh" do vướng mặt bằng và các hồ sơ liên quan.
Trao đổi với phóng viên ông Trần Ngạnh thông tin, đến đầu năm 2021, Ban Giải phóng mặt bằng huyện đã giải phóng toàn bộ mặt bằng đối với đất nông nghiệp với tổng cộng 1.680 hồ sơ.
Đối với 370 hồ sơ đất ở, công trình nhà ở, Ban Giải phóng mặt bằng huyện vẫn chưa thể hoàn thành do người dân chưa đồng ý bàn giao đất, nhận tiền và đất tái định cư.
Đường vành đai phía Tây 1.500 tỷ đồng đang trễ hạn hoàn thành (Ảnh: V.Q) |
Ông Ngạnh cho biết, trong tổng số 370 hồ sơ nói trên, có hơn 200 hồ sơ được giải tỏa trắng, số còn lại là giải tỏa một phần.
Để người dân được tái định cư do bị ảnh hưởng bởi dự án, TP đã chủ trương triển khai 3 khu tái định cư (Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Phú). Tuy nhiên, đến nay cả 3 khu tái định cư đều chưa được thi công khiến người dân chưa dám bàn giao đất.
"Cả 3 khu này đều đã được TP hoàn thành công tác đấu thầu, phê duyệt giá đất tái định cư nhưng vẫn chưa thi công. Đối với khu tái định cư Hòa Phú, do đây là xã miền núi nên có sự chênh nhau về giá đất hạng 1 (78 ngàn đồng/m2) và hạng 2 (98 ngàn đồng/m2).
Qua nhiều lần họp, vận động người dân, đến nay UBND TP đã đồng ý bố trí đất tái định cư trên sơ đồ cho người dân bị giải tỏa trắng để họ được thuê nhà (6 tháng/lần) và chọn trước vị trí đất tái định cư. Tất cả quá trình này sẽ được thực hiện xong trong năm 2021", ông Ngạnh cho hay.
Máy móc, thiết bị của đơn vị thi công bị "đắp chiếu" suốt nhiều tháng nay (Ảnh: V.Q) |
Đối với nút cầu vượt Quốc lộ 14B, ông Ngạnh cho biết, đã có 15/16 hộ đồng ý bàn giao mặt bằng. Riêng một hộ dân tại xã Hòa Khương vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng do yêu cầu được bố trí 2 lô tại đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương và khu tái định cư Hòa Khương sau khi bị thu hồi hơn 150m2 đất ở tại Quốc lộ 14B.
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 17/2, tại nút cầu vượt Quốc lộ 14B, phần công trình cầu vượt đang dừng thi công giữa chừng và được đơn vị thi công làm rào chắn để ngăn phương tiện xe tải, ô tô ra vào đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương.
Tại khu vực xã Hòa Khương, mặc dù diện tích đất nông nghiệp, cây lâu năm... đã được giải phóng mặt bằng xong nhưng nhiều máy móc, thiết bị của đơn vị thi công đang bị "đắp chiếu" nhiều tháng nay khiến người dân lo lắng và không biết dự án khi nào sẽ hoàn thành.
Dự án đường vành đai phía Tây do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm điều hành. Đơn vị tư vấn thiết kế dự án gồm: Liên doanh Công ty CP Tư vấn XDCTGT 5, Công ty CP Tư vấn TKXD GTCC Đà Nẵng. Dự án do hai nhà thầu thi công: Tổng Công ty Xây dựng CTGT 1 và Tổng Công ty XD Trường Sơn.
Tác giả: VĨNH QUYÊN
Nguồn tin: tuoitrethudo.com.vn