Tin địa phương

Đường cao tốc 34.500 tỉ lộ thêm vi phạm

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong quá trình thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, phần nào lý giải vì sao công trình hơn 34.500 tỉ đồng mới khai thác đã hỏng

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hơn 1 năm trước, ngày 29-9-2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thời gian kiểm toán trong 2 tháng, tập trung vào thời kỳ từ khi triển khai dự án đến ngày 31-3-2017 và các thời kỳ trước, sau có liên quan.

Giao lại thầu, nghiệm thu sai

Trong báo cáo, KTNN đánh giá các bộ chủ quản đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) và các địa phương có tuyến đường đi qua đã cố gắng huy động nguồn vốn, quản lý sử dụng nguồn vốn, quản lý dự án đúng quy định. Qua lựa chọn nhà thầu xây lắp theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, tổng giá trị tiết kiệm sau đấu thầu là 4.160 tỉ đồng (16% giá trị các gói thầu).

Tuy nhiên, KTNN cũng đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện dự án.

Cụ thể, việc quản lý hợp đồng thầu phụ tại dự án chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng giao thầu trái quy định. Tại gói thầu số 1, liên danh Cienco 5 - Cienco 1 (nhà thầu chính) giao lại cho các nhà thầu phụ thực hiện thiết kế bản vẽ thi công; thi công một số hạng mục xây lắp với đơn giá từ 93%-93,5% đơn giá trúng thầu (thấp hơn 1,5%-2%) là chưa đúng theo quy định hồ sơ mời thầu và quy định của hợp đồng đã ký với chủ đầu tư (trường hợp nhà thầu phụ được chủ đầu tư chấp thuận, nhà thầu chính phải bảo đảm đơn giá của nhà thầu phụ tối thiểu bằng 95% đơn giá giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư).

Đáng chú ý, tại gói thầu số 4, Tổng Công ty Sông Đà giao cho nhà thầu phụ với tỉ lệ 94%, vượt 44% so với quy định của hợp đồng, tương ứng hơn 240 tỉ đồng; Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long giao thầu cho nhà thầu phụ với tỉ lệ 99%, vượt 49% so với quy định của hợp đồng, tương ứng hơn 266 tỉ đồng. Tại gói thầu số 3B, nhà thầu chính ký hợp đồng với 2 nhà thầu phụ là Công ty TNHH TM&SX Trung Chính với giá trị hơn 63 tỉ đồng và Công ty XD CTGT Đà Nẵng với giá trị hơn 7 tỉ đồng chưa được chủ đầu tư chấp thuận.

Nghiệm thu trùng

Về quản lý chất lượng công trình, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường một số gói thầu 5, A2, A5, KTNN nhận định có hiện tượng đắp đất K95 lẫn đá; nhật ký thi công của nhà thầu chưa thể hiện đầy đủ công tác nghiệm thu các công việc hằng ngày trên công trường, thiếu dấu giáp lai, đánh số trang chưa đầy đủ…

Về quản lý chi phí đầu tư, KTNN cho biết có một số sai sót, tồn tại được phát hiện qua kiểm toán với giá trị hơn 375,2 tỉ đồng; trong đó sai khối lượng hơn 57 tỉ đồng, sai đơn giá hơn 294 tỉ đồng và sai khác hơn 23,7 tỉ đồng. Cụ thể, chưa thực hiện việc giảm trừ kết cấu chiếm chỗ trong hạng mục đắp K95 nền đường với giá trị hơn 43 tỉ đồng (gói thầu 1, 2, 4, 5, 6, 7, A2, A3, A4 và A5). Nghiệm thu thanh toán khối lượng vượt khối lượng được phê duyệt theo BVTC (Km55-Km56 gói thầu số 7) 482 triệu đồng. Gói thầu A4 nghiệm thu sai khối lượng hạng mục đá hộc xây vữa, hạng mục đào đá... với giá trị hơn 3,3 tỉ đồng. Nghiệm thu trùng khối lượng nền đường với trạm thu phí và nhà điều hành của gói thầu số 1 với giá hơn 1 tỉ đồng.

Chưa đủ cơ sở xác nhận giá trị nghiệm thu, thanh toán cho lệnh thay đổi (VO) của hạng mục giếng cát D400 theo đơn giá tạm duyệt của các gói thầu 3A, 3B, A3 với tổng giá trị gần 15 tỉ đồng (do định mức giếng D400 chưa được xây dựng và công bố để áp dụng); chưa đủ điều kiện xác nhận khoản sinh hoạt phí của các đơn vị là doanh nghiệp thực hiện rà phá bom mìn với giá trị gần 8,4 tỉ đồng. Sử dụng nhựa nhũ tương CRS để thi công lớp nhựa dính bám thay cho nhựa lỏng RC70 như quy định tại mục 06100 - chỉ dẫn kỹ thuật nhưng chưa lập lệnh thay đổi gói thầu số 4 và A4...

Hơn 1 năm đưa vào khai thác, mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có một số đoạn hư hỏng nặng, phải ngừng thu phí để sửa chữa. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Phải điều chỉnh nhiều hạng mục

KTNN cho hay việc thiết kế cơ sở chưa phù hợp với điều kiện thực tế, do đó trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh các hạng mục như điều chỉnh hướng tuyến, trắc dọc 8 đoạn tuyến; điều chỉnh mặt cắt ngang phần đường, mặt cắt ngang hầm. Điều chỉnh, bổ sung một số cầu lớn và điều chỉnh số lượng cầu trung, cầu nhỏ từ 128 xuống còn 103 cầu (16 cầu chuyển thành cống chui, 1 cầu thành cống hộp, 5 cầu thành đường, 3 cầu không thiết kế do điều chỉnh phân kỳ đầu tư nút giao Túy Loan).

KTNN chỉ ra rằng tại gói thầu số 5, công tác khảo sát địa chất tại trụ P5 cầu Km39+645 không phản ánh đúng thực tế địa chất công trình; lập thẩm định và phê duyệt đề cương khảo sát thiếu nội dung khoan địa chất tại vị trí tường chắn có cốt (MSE) dẫn đến phải thay đổi, bổ sung các hạng mục với tổng chi phí hơn 5 tỉ đồng. Tại gói thầu 3B, công tác khảo sát thăm dò địa chất chưa phát hiện đất yếu đoạn Km18+100 đến Km18+836, trong quá trình lập thiết kế bản vẽ thi công phải khảo sát bổ sung và xử lý nền đất yếu với chi phí hơn 18 tỉ đồng.

Về công tác thiết kế, KTNN phát hiện tại gói thầu 3B, giải pháp thiết kế cọc khoan nhồi móng mố và trụ cầu FO03 chưa phù hợp với địa chất thực tế với giá trị dự toán hơn 3,3 tỉ đồng nhưng đã được điều chỉnh trong quá trình lập thiết kế bản vẽ thi công. Tại gói thầu A3, thiết kế biện pháp thi công vòng vây cọc ván thép cho một số mố trụ cầu trên cạn không phù hợp với kết quả khảo sát địa chất đã làm tăng giá trị dự toán hơn 13 tỉ đồng. Ngoài ra, việc thiết kế đường đỏ chưa tối ưu dẫn đến quá trình lập bản vẽ thi công phải điều chỉnh hạ thấp đường đỏ tại hàng chục đoạn nhằm giảm khối lượng đắp. Bên cạnh đó, còn phải bổ sung thêm nhiều cống tròn, cống chui thoát nước và cống chui dân sinh ở tất cả gói thầu.

Trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu, KTNN xác định có các tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chưa trừ khối lượng kết cấu chiếm chỗ trong khối lượng đắp nền đường K95 (gói thầu số 5, A1, A2, A3). Tính sai cự ly vận chuyển vật liệu cát, đá, thừa chi phí bốc dỡ xi-măng, sắt thép (gói thầu 2, 3A, 5, A4). Áp dụng sai định mức hạng mục dọn dẹp, phát quang bằng máy (gói thầu 1, 2, A4); áp dụng sai mã hiệu định mức cho công tác đào đất không thích hợp - đất C1 (gói thầu 1, 2, 4, 6, 7, A1, A2, A4).

Áp dụng đơn giá thép chưa kinh tế (so với đơn giá thép Dana Ý có tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm theo yêu cầu thiết kế - gói thầu 5). Áp dụng sai phụ cấp lưu động - tính trên lương tối thiểu vùng không phù hợp đối với toàn bộ 13 gói thầu. Các gói thầu rà phá bom mìn tính tiền sinh hoạt phí trong đơn giá nhân công chưa đúng hướng dẫn...

Xử lý tài chính hơn 410 tỉ đồng

Với các vi phạm trên, KTNN chỉ ra hàng loạt đơn vị gồm Bộ Giao thông Vận tải, VEC, các nhà thầu, tư vấn..., phải chịu trách nhiệm.

KTNN kiến nghị VEC xử lý tài chính hơn 410 tỉ đồng, gồm giảm thanh toán hơn 352 tỉ đồng, xử lý khác hơn 23 tỉ đồng và giảm trừ thuế GTGT tương ứng hơn 35 tỉ đồng. VEC cần kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan.

Kiểm toán toàn diện dự án trong năm 2019

. Tháng 9-2013: Dự án khởi công, tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng.

. Ngày 2-8-2017: Đoạn tuyến 65 km từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ (Quảng Nam) được đưa vào khai thác.

. Ngày 2-9-2018: Đoạn còn lại thông xe.

. Đầu tháng 10-2018: Cao tốc xuất hiện nhiều "ổ gà", "ổ voi".

. Người dân phản ánh tình trạng thấm nước tại hàng chục cây cầu, cống chui.

. Ngày 12-10: Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dừng thu phí để sửa đường.

. Ngày 27-10: Bộ Giao thông Vận tải cho thu phí trở lại.

. Ngày 29-10: VEC cho biết tạm đình chỉ công tác ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc ban quản lý dự án; cảnh cáo các cá nhân, đơn vị liên quan.

. Trả lời báo chí mới đây, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết đơn vị kiểm toán sẽ kiểm toán toàn diện hoạt động của dự án này trong năm 2019.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP