Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa ký Quyết định số 36/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP
Theo quy chế này, các loại công trình xây dựng trong công tác quản lý trật tự xây dựng bao gồm nhà ở riêng lẻ; công trình xây dựng có yêu cầu thẩm định xây dựng trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; công trình xây dựng có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư xây dựng; và các công trình xây dựng khác.
Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng vừa được Chủ tịch UBND TP ký quyết định ban hành đã quy định rõ các loại hành vi được xác định là vi phạm trật tự xây dựng (Ảnh: HC) |
Có 06 loại hành vi được xác định là vi phạm trật tự xây dựng. Bao gồm: Công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Công trình xây dựng sai nội dung của giấy phép xây dựng.
Công trình xây dựng không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Công trình xây dựng vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác.
Thi công không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực chung quanh, để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định.
Công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; vi phạm chỉ giới; sai cốt xây dựng; lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giai thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đề điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
Xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này); cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Đà Nẵng xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thẩm quyền trong công tác quản lý trật tự xây dựng, Theo đó, Chủ tịch UBND phường, xã, quận, huyện chịu trách nhiệm toàn diện về các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Quy chế cũng quy định trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND TP và trách nhiệm đối với Chánh Thanh tra Sở xây dựng; cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND các quận, huyện; cán bộ, công chức, viên chức, thanh tra viên và người được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN; trách nhiệm của các Sở TN-MT, Du lịch, KH-ĐT; Công an TP và các cơ quan đơn vị liên quan.
Đặc biệt, quy chế quy định rõ, người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng hành vi vi phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải đền bù theo quy định pháp luật.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, nếu không tự nguyện thực hiện quyết định xử lý, quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành; trường hợp có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng các thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, xử lý, xử phạt sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tác giả: HẢI CHÂU
Nguồn tin: Báo Infonet