Kinh tế

Đua xây nhà, hạ tầng đuối sức

Nhà ở, khu đô thị mọc lên liên tục khiến nhiều tuyến đường vùng ven TP HCM phải gánh lượng lớn phương tiện lưu thông hằng ngày

Hơn 7 năm sống tại quận 7 (TP HCM), gia đình anh Lê Thanh Tú (34 tuổi) cảm nhận từng ngày về nạn kẹt xe, từ nhà anh đến công ty chỉ 6 km nhưng sáng cũng như chiều đều mất từ 45-60 phút. Anh nói vui ngày nào cả nhà anh cũng buộc phải thưởng thức "đặc sản" kẹt xe vào giờ "điểm tâm sáng" và "ăn chiều".

Kẹt xe trầm trọng

Anh Tú cho biết khi mới dọn về quận 7 sinh sống, anh chọn lộ trình đi qua cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 5). Dần dần xe cộ ngày càng đông, ùn ứ thường xuyên nên anh đổi hướng sang cầu Kênh Tẻ. Nhưng được chừng nửa năm, cây cầu này cũng kẹt cứng. "Muốn tránh kẹt xe, tôi và nhiều người khác phải đi làm lúc 6 giờ. Chậm vài phút là coi như chôn chân giữa đường 30 phút là ít. Mỗi ngày ra đường đều là nỗi kinh hoàng đối với chúng tôi, bất kể sáng hay chiều" - anh Tú nói.

Từ hình ảnh flycam vào sáng 5-4, chúng tôi nhận thấy dòng xe chen chúc nhích từng mét trên đường Nguyễn Hữu Thọ hướng về cầu Kênh Tẻ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè vài năm trở lại đây có hàng loạt khu dân cư, chung cư mọc lên san sát, dân số tăng chóng mặt. Chỉ tính từ đầu đường Nguyễn Hữu Thọ đến khu vực giáp ranh huyện Nhà Bè có trên 10 chung cư với quy mô dân số hàng chục ngàn người. "Hễ một chung cư mọc lên, cư dân quận 7 như chúng tôi lại thêm lo. Kẹt xe bốn bề, ra ngõ là kẹt. Cầu Kênh Tẻ 2 và nhiều hạ tầng khác ở quận 7 sau khi đưa vào sử dụng, đến giờ đâu vẫn vào đó" - anh Tú thở dài.

Đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP HCM nhiều năm qua không được mở rộng nhưng phải “gánh” hàng chục dự án nhà chung cư

Huyện Hóc Môn cách trung tâm quận 1 khoảng 19 km nhưng mỗi buổi sáng đi làm, người dân phải mất khoảng 60-70 phút cho việc di chuyển. Bởi 2 tuyến đường huyết mạch Trường Chinh và Quang Trung luôn trong tình trạng ùn tắc. Một vị nguyên lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn cho biết gần 10 năm qua, địa phương không có con đường nào mới. Trong khi người dân từ khắp nơi đổ về sinh sống ngày càng đông khiến kẹt xe trở nên trầm trọng. "Nạn xây dựng không phép diễn ra trong thời gian dài, hàng loạt khu dân cư tự phát ra đời nhưng không được đầu tư hạ tầng đường sá, thoát nước... làm phá vỡ quy hoạch chung, chất lượng sống thấp, kẹt xe nghiêm trọng" - vị này đánh giá.

Ở quận 2, 9 và Thủ Đức, dù có hàng trăm dự án khu đô thị, chung cư đang được xây dựng nhưng mỗi ngày lượng người di chuyển vào trung tâm TP làm việc khiến các tuyến đường xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn, đường Mai Chí Thọ qua hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm thường xuyên ùn tắc.

Không chỉ ở ngoại thành, việc hàng loạt chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại... đua nhau mọc lên ở các quận nội thành cũng khiến hạ tầng, giao thông quá tải.

Đầu tư thiếu đồng bộ

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, hạ tầng giao thông tại địa phương đang thiếu trầm trọng. Mỗi năm, hàng chục ngàn dân nhập cư về đây sinh sống kéo theo sự gia tăng phương tiện giao thông. Tuy nhiên, các con đường mới không được đầu tư như quy hoạch khiến tình trạng kẹt xe, ngập nước, khói bụi ô nhiễm xảy ra thường xuyên. Ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND huyện Bình Chánh, cho biết địa phương có hơn 1.000 con đường nhưng hơn một nửa không bảo đảm hạ tầng, chưa hoàn thiện thiết kế. Đường làm xong nhưng vẫn không làm vỉa hè, trải nhựa, đèn chiếu sáng… Lâu nay, người dân đi lại đều phải "mượn" những con đường có sẵn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Tỉnh lộ 10…

Theo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, một trong những lý do gây ùn tắc ở hầm Thủ Thiêm là do hình thành nhiều khu đô thị ở phía Đông kéo theo lượng dân cư đông đúc. Trong khi đó, các cây cầu Thủ Thiêm 2, Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4 vẫn chưa xây dựng xong nên người dân còn phải chịu cảnh kẹt xe.

Kiến trúc sư Võ Kim Cương nhìn nhận hiện nay việc phát triển hạ tầng ở nước ta đi ngược với các nước trên thế giới. Thay vì bắt buộc doanh nghiệp khi làm dự án phải thực hiện nghĩa vụ đầu tư hạ tầng trước thì chính quyền cho phép thực hiện việc làm nhà ở trước, làm đường sau. Hiện các tuyến đường vành đai ở TP HCM vẫn chưa hoàn thành, người dân khu Nam Sài Gòn muốn đi về phía Bắc phải đi xuyên vào trung tâm TP. Lượng xe tăng, hạ tầng không theo kịp dẫn đến kẹt xe là điều tất nhiên. "Tôi cho rằng nếu chịu khó đầu tư hạ tầng giao thông ít nhiều sẽ kích thích sự phát triển khu vực đó. Trước kia, việc phát triển các dự án chung cư ở khu vực hướng Tây Sài Gòn chẳng ai mặn mà. Nhắc đến khu rạch Ruột Ngựa, Hồ Học Lãm chẳng ai ngó ngàng nhưng từ khi tuyến đường Võ Văn Kiệt hình thành, chung cư mọc lên như nấm" - kiến trúc sư Võ Kim Cương phân tích.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho biết Chính phủ vừa cho phép TP HCM điều chỉnh lại quy hoạch chung. Từ đó, đẩy mạnh công tác phát triển hạ tầng, tăng cường không gian ngầm để giảm áp lực về sự phát triển mật độ xe cá nhân. "Hiện các vùng ven đều đã quy hoạch hạ tầng đầy đủ nhưng do thiếu nguồn lực kinh phí. Sắp tới, chủ trương của TP là doanh nghiệp muốn phát triển khu dân cư, nhà ở phải phát triển hạ tầng trước và gắn liền với công tác quy hoạch" - ông Nhã nói.

Tác giả: Lê Phong

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP