Giáo dục

“Đưa bài giảng về lạm dụng tình dục vào SGK lớp 5 là quá muộn!”

“Trong SGK Giáo dục công dân có những thứ cần đẩy lên sớm hơn, chẳng hạn như các bài giảng về lạm dụng tình dục mới đưa vào từ SGK lớp 5, trong khi đó có nhiều em rất bé đã bị xâm hại, như thế là quá muộn”.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) đưa ra tại hội thảo “Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông”, do Hội LHPNVN tổ chức tại Hà Nội vào chiều 26/4.

Học sinh lớp 2 được học về giá trị của đồng tiền

Theo PGS.TS Đào Đức Doãn, Chủ biên chương trình môn Giáo dục công dân, ban soạn thảo đã dự thảo lồng ghép giới và giáo dục tài chính vào các cấp học phổ thông qua các chủ đề và chuyên đề của bộ môn này.

Cụ thể, chương trình tiểu học có các chủ đề, kéo dài từ lớp 3 đến lớp 5. Trong đó, lớp 3 là chủ đề: “Biết ơn tổ tiên và người có công với quê hương đất nước’; Lớp 4: “Quyền và bổn phận của trẻ em”; Lớp 5: “Tôn trọng sự khác biệt của người khác”.

Chương trình THCS với chủ đề “Quyền được bảo vệ, chăm sóc, giáo dụ và tham gia của trẻ em Việt Nam”, trong chương trình lớp 6.

Chương trình THPT, lớp 10 có chủ đề “Hiến pháp nước CHXHCNVN”. Lớp 11 chủ đề “Quyền bình đẳng của công dân”, “Quyền và nghĩa vụ của công dân về dân sự”, chuyên đề “Pháp luật dân sự”.

Lớp 12, chủ đề “Quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hóa, xã hội”.

Tương tự ở nội dung về giáo dục tài chính, Ban soạn thảo đã xây dựng các chủ đề từ lớp 4 đến lớp 12.

Ngoài ra, ở các môn học khác như: Ngữ Văn, Tự nhiên Xã hội và Chương trình khoa học mới, môn Toán, Chương trình hoạt động trải nghiệm... cũng đều có thông tin lồng ghép giới và giáo dục tài chính từ rất sớm.

Chẳng hạn ở môn Toán, ngay từ lớp 2, trong nội dung kiến thức chính khóa của chương trình khối lớp này, học sinh đã biết được giá trị lao động của đồng tiền thông qua một số bài học của môn Đạo đức và một số môn khác.

Ở môn Ngữ Văn, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình, vấn đề bình đẳng giới được đặt lên rất nhiều khi Ban soạn thảo viết SGK và được thể hiện trên 5 bình diện.

Trong đó, chú trọng đưa vào chương trình những ngữ liệu về giới và bình đẳng giới. Những đề tài về người mẹ, người chị được đưa vào SGK rất nhiều…

“Đặc biệt, phải cân đối các tác giả nữ và trân trọng đưa họ vào trong chương trình. Chúng tôi phải đưa tác giả Hồ Xuân Hương vào SGK bởi bà ấy là tác giả nữ chứ không đơn thuần thơ của tác giả này hay”, PGS Thống đưa ra thí dụ.

Số liệu bất bình đẳng giới trong SGK hiện nay


Đưa bài giảng về lạm dụng tình dục từ SGK lớp 1

Trao đổi về vấn đề lồng ghép giới và giáo dục tài chính khi đưa vào chương trình Phổ thông mới với thời lượng như trên đây đã phù hợp chưa, nhiều đại biểu đã có ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ, nhìn vào chương trình SGK phổ thông hiện nay vẫn còn định kiến giới. Trong SGK, sự xuất hiện các hình ảnh là nữ vẫn còn ít.

Cụ thể, phân tích 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy, ở cấp THCS, tỉ lệ nữ xuất hiện chỉ 33%; Cấp THPT, tỉ lệ nữ chỉ 19%.

Ở nhân vật xuất hiện trong văn bản, cấp tiểu học, chỉ có 24% là nữ và cấp THPT, các nhân vật nổi tiếng xuất hiện trong cấp học này chỉ chiếm 5%, còn lại là nam giới.

Do đó, bà Hòa kiến nghị, cần đảm bảo sự cân đối về hình ảnh, vai trò, nghề nghiệp của phụ nữ và nam giới trong nội dung bài học và hình ảnh minh họa.

Khuyến khích những hình ảnh tích cực về phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực không phải thế mạnh như phụ nữ làm lãnh đạo, nam giới chăm sóc gia đình.

“Trong SGK Giáo dục công dân có những thứ cần đẩy lên sớm hơn, như lạm dụng tình dục mới đưa vào từ SGK lớp 5, trong khi đó có nhiều em rất bé đã bị xâm hại, như thế là quá muộn”, bà Hòa nói.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm cũng đồng quan điểm với bà Hòa khi cho rằng vấn đề lạm dụng tình dục nếu đưa vào chương trình lớp 5 là quá muộn.

“Tôi nghĩ nên đưa vấn đề chống lạm dụng tình dục vào từ chương trình SGK lớp 1. Ngoài ra, một vấn đề tế nhị nữa là vấn đề giới tính thứ ba. Tôi nghĩ, tỉ lệ này hiện còn rất nhỏ trong xã hội. Do đó, những đối tượng này cần được hỗ trợ chuyên sâu từ tổ tư vấn tâm lý học đường sẽ hợp lý hơn đưa vào chương trình chính khóa”, PGS Kim Thoa cho biết.

Hình ảnh, nội dung định kiến giới trong SGK hiện nay qua con số khảo sát từ Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới


Đề xuất Hội LHPN vào hội đồng thẩm định chương trình

Tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, cả 2 nội dung về giáo dục tài chính và bình đẳng giới đều quan trọng, tưởng tách rời nhau nhưng vẫn liên kết với nhau, bổ trợ cho nhau.

Trong đó, với những đóng góp sát sườn của Hội LHPNVN, vấn đề tích hợp về bình đẳng giới đã có những nội dung khá rõ ràng, hữu ích.

Đối với Hội LHPNVN, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị 3 điều. Thứ nhất là Hội tiếp tục đóng góp ý kiến cho chương trình môn học với 2 nội dung trên để tổng hợp và chọn lọc các ý kiến, tiến tới hoàn thiện đề án.

Thứ hai, GS Nguyễn Minh Thuyết đã có đề xuất với Bộ GD&ĐT về việc mời đại diện Hội LHPNVN tham gia Hội đồng thẩm định một số môn học. Đề xuất này đã được chuyển đến lãnh đạo Bộ và sẽ sớm có công văn mời đại diện Hội cùng tham gia.

Cuối cùng, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Hội LHPNVN phối hợp với một vài tổ chức khác để cử người tham gia tập huấn cho giáo viên, cho cán bộ viết sách giáo khoa về vấn đề bình đẳng giới và giáo dục tài chính trong thời gian tới.

Kết luận tại hội thảo, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, cho biết sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến đối với 2 nội dung trên và các môn học cụ thể.

Bà Hương cũng mong muốn đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong các hoạt động tiếp theo như tập huấn cho người biên soạn sách và giáo viên về bình đẳng giới và giáo dục tài chính, đồng thời tham gia Hội đồng thẩm định để có ý kiến thỏa đáng vào biên soạn chương trình mới, liên quan đến 2 nội dung này.

“Mong muốn của chúng tôi là các thầy cô giáo làm sao hiện thực hóa các nội dung về bình đẳng giới, chuyển tải tới học sinh với các phương pháp giáo dục về quan điểm giới, lăng kính giới đồng bộ, đặc biệt đưa các hoạt động hướng nghiệp đưa vào mềm dẻo để học sinh tiếp thu, thực hành”, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cho hay.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP