Những năm gần đây, xu hướng đi du lịch vào dịp cuối năm của nhiều người ngày càng tăng. Theo ghi nhận, các công ty du lịch sau Tết, lượng khách đăng ký đi các tour lễ hội, tâm linh đều tăng. Đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội cho biết, trong ngày hôm nay, lượng khách đăng ký tour đến các điểm du lịch tâm linh tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nhấn của mùa du lịch sau Tết là các điểm đến là các chùm tour lễ hội giúp du khách thỏa sức lựa chọn và tận hưởng những ngày khởi đầu năm mới vui tươi. Các tour Lễ hội nổi bật năm nay được các công ty khai thác triệt để như: Du lịch Lễ Hội Chùa Hương; Du lịch Lễ Hội Bái Đính - Tràng An; Du lịch Lễ Hội Yên Tử; Du lịch Lễ Hội Đền Hùng, Du lịch Lễ Hội Phủ Dày Đền Trần Nam Định; Du lịch Lễ Hội Chùa keo Thái Bình; Du lịch Lễ Hội Chùa Dâu - Chùa Keo; Du lịch lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc - Hải; Du lịch lễ hội Tây Thiên - Tam Đảo; Du lịch lễ hội Đền Bà chúa Thác Bờ - Thung Nai Hòa Bình 2 ngày 1 đêm. Du lịch Đền Ông Hoàng Mười - Vũng Chùa Đảo Yến.
Anh Nguyễn Hồng Nguyên, Phòng xúc tiến thị trường, Công ty Du lịch Hanoitourist cho biết; những ngày này, người đặt tour phần lớn là khách đoàn các cơ quan doanh nghiệp và tổ chức trong phường, xã. Trong khi đó các tour lẻ, công ty lại không thu hút được nhiều.
Theo ước tính của Hanoitourist, chỉ tính riêng trong ngày rằm tháng Giêng năm nay đã có khoảng 300 khách đi về các điểm du lịch như Yên Tử- Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh); Đền Trần (Nam Định); Chùa Keo (Thái Bình), Phủ Giầy (Nam Định).
Nhìn chung, thị trường du lịch dịp Tết Bính Thân năm nay sôi động hơn với lượng khách đăng ký các tour tham quan tăng mạnh so với năm ngoái. Theo tâm lý của người dân Việt, đầu năm, ai cũng muốn đi lễ hội để cầu “Phúc – Lộc – Tài”, ước vọng một năm mới an lành, tốt đẹp cho mình và người thân. Dường như đã trở thành một thông lệ, từ lâu cứ mỗi độ rằm tháng Giêng là người dân khắp các tỉnh thành trong cả nước lại nô nức đi viếng chùa lễ Phật.
Bà Nguyễn Thị Hưởng (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, năm ngoái bà cùng nhóm người cao tuổi trong làng thuê xe đi lễ, nhưng năm nay mọi người bàn nhau đổi sang mua tour, bởi thuê xe thời điểm này rất khó khăn giá lại đắt. Trong khi đó mua tour giá cao hơn chút nhưng đỡ tất bật hơn. Theo khảo sát của chúng tôi giá tour cho lễ hội năm nay đi về trong ngày chỉ dao động trong khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người.
“Năm qua, công việc làm ăn của gia đình khá suôn sẻ, chúng tôi muốn lễ chùa đầu năm để cảm tạ trời đất cũng như xin lộc, cầu an, cầu phúc sẽ đến với gia đình trong năm mới”, bà Hưởng nói.
Đại diện Công ty Du lịch Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ, lượng khách dịp rằm tháng Giêng thường tăng hơn so với ngày bình thường. Năm nay, khách tập trung chủ yếu vào hai ngày 13 -14 tháng Giêng do đây đồng thời là dịp cuối tuần.
“Chúng tôi đã có kế hoạch và xem xét lịch ngày lễ nên có sự chuẩn bị trước, đặc biệt là dịch vụ phòng và xe nên không để tình trạng "cháy dịch vụ”, đại diện công ty này cho biết.
Sau Tết, thời tiết đẹp cũng là lý do để nhiều du khách đi du lịch lễ hội. Đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội cho biết: “Trước đó mấy hôm, không khí du xuân dường như hơi vắng vẻ. Nhưng bắt đầu từ ngày mùng 10 (ÂL), không khí nô nức đi lễ hội bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Không có gì đáng ngạc nhiên khi mỗi cơ quan tổ chức cho một số lượng lớn nhân viên đi du lịch đầu năm. Con số lên tới từ 400 – 500 khách là bình thường”.
Dù với nhiều người dân, đi chùa đã bắt đầu từ đêm giao thừa nhưng để trải nghiệm không khí thực sự của lễ chùa thì phải đến độ ra Giêng, cao điểm nhất thường là những ngày từ 11, 12 âm lịch đến rằm. Cũng dễ hiểu bởi đầu năm, ai cũng muốn tìm đến một nơi thanh tịnh để lắng đọng tâm hồn, trút bỏ những ưu tư, muộn phiền của một năm cũ.
Tác giả bài viết: Hữu Thắng