Châm cứu, bấm huyệt ngày càng được nhiều du khách lựa chọn khi du lịch đến Đà Nẵng.ẢNH: AN DY |
Có những ngày cao điểm ở mùa du lịch, người dân sống bên cạnh Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng (342 Phan Châu Trinh, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) cứ thắc thỏm tưởng bệnh viện chuyển công năng thành khách sạn hay khu nghỉ dưỡng quốc tế vì những vị khách nước ngoài cứ nườm nượp vào ra, có người còn mang theo cả hành lý.
Chia sẻ từ mạng xã hội
Trong một buổi sáng, điện thoại ở phòng nhận bệnh của Đơn vị du lịch chữa bệnh liên tục đổ chuông để đặt lịch. Một hướng dẫn tour cho khách Trung Quốc báo có hai du khách trẻ muốn đến trị liệu vào đầu giờ chiều, liệu trình trị liệu đau mỏi vai gáy, tức thốn ở sống lưng. Cuộc hẹn khác là một khách người Hàn Quốc vừa đánh golf sai tư thế và đau ê ẩm cột sống. Hay một người đàn ông quốc tịch Mỹ đang ở một khách sạn trong thành phố cần bác sĩ đến tận nơi để chấm cứu di chứng đột quỵ nhẹ...
Đúng đầu giờ chiều, hai thanh niên người Trung Quốc đã có mặt ở phòng châm cứu. Anh Jialy (36 tuổi), một trong hai du khách, cho biết đây là lần thứ hai anh đến Đà Nẵng và cả hai lần đều trải nghiệm du lịch châm cứu, bấm huyệt, giải quyết chứng đau vai gáy do ngồi làm việc sai tư thế, đồng thời kết hợp thăm thú thành phố. Hướng dẫn viên của Jialy trực tiếp gọi, đặt lịch hẹn và đưa anh đến. Nhờ bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội nên Jialy biết đến liệu trình châm cứu, bấm huyệt trong khoảng 3 - 4 ngày, cũng tiện để kết hợp trong một chuyến du lịch mà chi phí rẻ hơn so với ở Trung Quốc.
Giường bên cạnh là Jiki (30 tuổi, người CH Czech), làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Jiki có mặt ở Bệnh viện Y học cổ truyền đã mấy ngày nay. Anh cho biết mình có vấn đề về mắt, thường căng thẳng và đau đầu. Sau thời gian dài uống thuốc tây vẫn không thuyên giảm, thậm chí stress càng gia tăng, anh được bạn bè mách về “món” châm cứu, bấm huyệt, thư giãn. “Mới 4 ngày trị liệu, tôi cảm thấy mình ổn hơn, bớt đau đầu và đã có thể ngủ ngon. Mắt cũng đã nhìn tốt hơn. Thật tuyệt diệu khi không phải uống viên thuốc tây nào”, Jiki nói sau khi bước ra khỏi phòng trị liệu và tiếp tục lại một ngày lang thang du lịch kết hợp làm việc trên máy tính... Tiễn Jiki ra cửa, bác sĩ Lê Văn Nội, Phó đơn vị du lịch chữa bệnh, nói với theo “nghỉ ngơi thư giãn để phục hồi tốt nhé Jiki”. Anh nháy mắt gật đầu.
Trở lại với phòng khám, bác sĩ Nội cho biết, internet kết nối thông tin với bệnh nhân toàn cầu. Họ đến du lịch và tranh thủ điều trị, thư giãn... “Thông tin và liệu trình trị liệu được du khách chia sẻ cùng nhau trên các trang mạng du lịch. Nhiều người, nhất là khách Tây chưa từng biết đến y học cổ truyền, nhưng nghe giới thiệu, họ muốn đến để trải nghiệm châm cứu, bấm huyệt, chườm thuốc nóng. Nhiều người còn muốn thử nghiệm với các thủ thuật giải phóng cân cơ, hỏa long cứu... và chia sẻ hiệu quả trị liệu với nhau”, bác sĩ Nội nói.
Kỹ thuật viên massage thư giãn cho nam du khách ngườiCH Czech sau liệu trình trị liệu |
Thuê nhà để đi châm cứu
Trong số những vị khách nước ngoài thường xuyên đến trị liệu châm cứu, bấm huyệt thì ông David Sorbie (64 tuổi, quốc tịch Úc) là “gương mặt quen thuộc” của các y bác sĩ bệnh viện. Ông David cũng xem bệnh viện như nhà khi đều đặn ông đến châm cứu 3 buổi/tuần. Hơn 1 năm trước, David du lịch đến Đà Nẵng và tình cờ trải nghiệm du lịch châm cứu, bấm huyệt trị liệu bệnh, ông thấy “nghiện” luôn “món” này và lần nào đến Đà Nẵng ông cũng dành thời gian châm cứu, bấm huyệt.
Nửa năm sau đó, David quyết định thuê nhà và sống ở Đà Nẵng để có nhiều hơn nữa thời gian trị liệu và thư giãn. David nói, từ khi châm cứu, bấm huyệt ông thấy dễ chịu, thư giãn và chứng đau đầu kinh niên đã không còn hành hạ ông nữa. “Cơ chế điều trị cơ bản của y học cổ truyền là học thuyết thông kinh lạc. Thông tất bất thống, thống tất bất thông. Nghĩa là thông được rồi thì không còn đau nữa, mà đau nghĩa là không thông”, TS-BS Nguyễn Văn Dũng, người có hơn 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị bệnh bằng y học cổ truyền, cho biết.
Không chỉ “đả thông” kinh mạch bằng châm cứu, điều trị, bác sĩ Dũng còn “đả thông” tư tưởng dùng y học cổ truyền để trị liệu bệnh cho các bệnh nhân. Ông trò chuyện với ông Sok Hung-doo (61 tuổi, người Hàn Quốc), lúc bằng tiếng Anh, lúc bằng tiếng Trung, có lúc huơ huơ tay làm dấu về kinh mạch và huyệt đạo. Ông Sok cũng là “khách quen” của bệnh viện. Mỗi ngày, đúng giờ hẹn là ông có mặt. Quen đến nỗi các bác sĩ, các kỹ thuật viên hiểu rõ tình trạng sức khỏe của ông, hiểu luôn độ “chịu” của ông khi điều chỉnh sóng điện châm.
Đang trò chuyện với Sok thì bác sĩ Dũng nhận cuộc gọi và lên đường. Người đang đợi ông trong một khách sạn lớn là đôi vợ chồng người Mỹ. Người chồng bị di chứng tai biến mạch máu não thể nhẹ, và chỉ tin tưởng vào châm cứu, bấm huyệt, chườm thuốc nóng liên tục để dần phục hồi chức năng.
Châm cứu giúp khai thông huyệt đạo |
Chữa bệnh hiện đại bằng phương pháp cổ truyền
Sau khi thực hiện những đường châm chính xác và điêu luyện trên từng huyệt đạo của người bệnh, bác sĩ Nội sử dụng điện châm dần kích thích các huyệt đạo, thông kinh hoạt lạc, điều hòa khí huyết, giúp bệnh nhân đỡ đau và thư giãn gân cốt. Kết thúc liệu trình châm cứu, bệnh nhân được các kỹ thuật viên massage bằng thảo dược, giúp người bệnh đỡ đau, thư giãn, phục hồi sức khỏe.
Với khách nước ngoài du lịch ngắn ngày, bị những bệnh như trật gân, bong gân, cảm cúm, đau nhức xương khớp, bệnh lý thoái hóa, vận động sai tư thế, bệnh dị ứng ngoài da... thì các bác sĩ sẽ tập trung tổng hợp các phương pháp điều trị tại chỗ, hiệu quả với thời gian trị liệu từ 3 - 4 ngày. Bởi người nước ngoài thì sẽ khó có cơ hội tiếp cận y học cổ truyền so với những khách trong nước. “Bên cạnh châm cứu, bấm huyệt, bệnh nhân sẽ được chiếu sóng ngắn, chiếu sâu và xuyên vào các tổ chức gần cơ xương, có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề, giảm đau, đào thải những tổ chức hư hỏng, tái tạo và tuần hoàn máu. Đây là lựa chọn an toàn với nhiều người, đặc biệt là với khách Âu, Mỹ vì có thể điều chỉnh mức độ tác động trong giới hạn cho phép”, bác sĩ Nội chia sẻ câu chuyện thú vị về châm cứu, huyệt đạo và những phương pháp trị liệu truyền thống của người Á đông.
“Rất nhiều du khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến Đà Nẵng hỏi chúng tôi về châm cứu, bấm huyệt để trị liệu các bệnh về vận động. Cứ tưởng ở Trung Quốc thì bấm huyệt và châm cứu là số một, nhưng không hiểu sao rất nhiều người trong số họ lại chọn VN. Họ tin tưởng lắm, nói bác sĩ VN giỏi, tận tụy mà giá dịch vụ lại không quá đắt đỏ như ở nước họ”, anh Trần Thanh Liêm, hướng dẫn viên tự do tại Đà Nẵng kể. |
Tác giả: An Dy
Nguồn tin: Báo Thanh niên