Hoằng Hóa xưa là vùng đất Cổ Hoang nổi danh hiếu học, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài lưu danh sử sách...Nơi đây còn lưu giữ trong mình những tiềm năng du lịch, như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa- lịch sử...
Bãi biển Hải Tiến còn khác hoang sơ |
Đặc biệt, là tiềm năng du lịch biển và nghỉ dưỡng với bờ biển dài 12 km. Bãi biển còn hoang sơ, cảnh quan tự nhiên hấp dẫn. Từ biển Hải Tiến du khách có thể kết nối nhiều di tích lịch sử - văn hóa như: Đền thờ Trạng Quỳnh (làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc); đền thờ các nhân thần, thiên thần như: Triệu Quang Phục, Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Trần Khát Chân, Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh...
Các di tích lịch sử cách mạng như: Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng nơi các cụ bắn rơi máy bay Mỹ, cồn Ba Cây, cồn Mã Nhón nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa 24/7 giành chính quyền sớm nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong cuộc Cách mạng tháng 8/1945.
Đến năm 2017, khu du lịch này đã có gần 50 khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, vi la với tổng hơn 5.000 phòng phục vụ khách du lịch.
Năm 2012, số lượt khách du lịch đến tắm biển và nghỉ dưỡng đạt 50 nghìn lượt người, đến năm 2017 tăng lên 1,2 triệu lượt khách. Hoạt động du lịch mang lại doanh thu đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Sau khi ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 năm 2017, cơ sở hạ tầng nơi đây đã được khôi phục trở lại |
Tại buổi họp báo, bà Đoàn Thị Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Năm 2018, địa phương đưa vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy kết nối khu du lịch Hải Tiến đến các điểm tham quan như: Đền thờ Long Vương - Đảo Nẹ; Bia chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam tại núi Hòn Bò; Cảng cá Lạch Trường; cảng cá, rừng ngập mặn Hòa Lộc - Hậu Lộc; Phủ Máng Hoằng Yến; rừng ngập mặn Hoằng Châu; FLC Sầm Sơn...
Ngoài ra, còn đưa vào hoạt động Trung tâm hội nghị cao cấp sức chứa hơn 1.000 người và bể bơi tạo sóng ngoài trời gần 1.000 m2; tổ chức nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, giải Tennis Hải Tiến năm 2018…
Cũng tại buổi họp báo, nhiều vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng du lịch, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý giá cả...đã được các cơ quan báo chí đề cập.
Ông Lê Đức Giang, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho rằng, việc phát triển du lịch sinh thái biển Hải Tiến được xác định là hướng đi bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tâm linh...
Mùa du lịch năm 2017, có những thời điểm bãi biển nơi đây đông nghẹt người |
Theo ông Giang, mặc dù là khu du lịch sinh thái biển mới nhưng Hoằng Hóa sẽ kiên trì phát triển theo hướng bền vững, không chạy theo số lượng, kinh doanh chụp giật, hay đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Vấn đề đảm bảo môi trường biển, môi trường nước, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự luôn được địa phương đặt lên hàng đầu.
Ông Hoàng Bá Tường, Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá: Nếu Sầm Sơn được ví như một cô gái thành thị kiêu sa thì Hải Tiến như một cô thôn nữ dịu dàng. Du lịch Hải Tiến gắn liền với vùng nông thôn, với những nét quê.
Cũng theo ông Tường, nơi đây không chỉ có tiềm năng về thiên nhiên mà còn có tiềm năng nhân văn, mỗi miền đất đều thấm đẫm tính nhân văn. Việc phát triển du lịch nơi đây theo hướng bền vững, không vội vàng và không chụp giật.
Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2018 sẽ khai mạc vào ngày 28/4 tới đây.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí