Theo lịch của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2 sẽ diễn ra từ ngày 6/8-7/8. Các đối tượng được dự thi đợt 2, gồm thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 trong các ngày 7-8/7. Thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có hơn 26.000 thí sinh đến từ 42 tỉnh, thành phố chưa dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có nguyện vọng tham dự đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trên tinh thần bám sát đúng yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT và tình hình ôn tập trong giai đoạn dịch bệnh, chuyên gia dự đoán mức độ đề thi môn Toán tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021 vẫn sẽ tương đồng với đợt thi đầu tiên.
Mức độ phân hoá đề đợt 2 tương tự đợt 1
Dự đoán về mức độ phân loại của đề thi trong kỳ thi đợt 2, Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, giảng viên môn Toán trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, Bộ GD-ĐT đã khẳng định rõ ràng sẽ đảm bảo công bằng cho các thí sinh ở cả 2 đợt thi. Do đó, mức độ phân loại của đề thi đợt 2 được dự đoán cũng sẽ tương đương với kỳ thi đợt 1.
|
“Đối với môn Toán vẫn sẽ có 45 câu hỏi đầu tiên (90%) ở mức độ tương đối nhẹ nhàng, thuộc các dạng bài quen thuộc mà học sinh đã được làm quen trong quá trình ôn tập. 5 câu ở mức độ vận dụng cao là thực sự dùng để phân loại thí sinh và 5 đó thường sẽ nằm trong các chuyên đề về hàm số, mũ logarit, số phức, toạ độ không gian Oxyz và tích phân”, thầy Tuấn nhận định.
Với mức độ đề thi như vậy, thầy Tuấn dự đoán phổ điểm năm nay có thể tăng giảm theo từng khối thi. Theo thầy, đề thi các môn được cân đối, như môn Tiếng Anh được nhiều giáo viên đánh giá là “dễ thở” hơn năm 2020, trong khi các môn Lý, Hóa được đánh giá là có khả năng phân loại tốt. Bộ cũng đã tính toán đến yếu tố tác động của dịch bệnh và các trường đại học bây giờ đang ưu tiên gia tăng chỉ tiêu cho các phương pháp xét tuyển khác nên chỉ tiêu xét tuyển dành cho việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm. Do đó tăng tính cạnh tranh cho phương pháp xét tuyển bằng điểm thi.
Còn nguyên nhân điểm chuẩn một số khối thi khác có thể giảm bởi vì đề thi các môn Lý, Hóa, Sinh năm 2021 được đánh giá “ khó“ hơn so với đề thi năm 2020.
Thầy Tuấn cũng đưa ra dự đoán xu hướng điểm chuẩn một số khối thi cũng sẽ tăng nhưng sẽ không nhiều. Vì vậy, các thí sinh chỉ hơn kém nhau 0,2 điểm cũng có thể ảnh hưởng lớn đến việc đỗ hay trượt nguyện vọng của các em. Bên cạnh đó, thầy cũng dự đoán thêm, điểm chuẩn các ngành hot của các trường top đầu như Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội, Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội,… có thể sẽ lại kịch sàn như năm 2020.
Những lưu ý ôn luyện cho thí sinh sẽ dự thi năm 2022
Căn cứ trên mức độ đề thi đề thi tốt nghiệp THPT 2021 cùng với những biến động trong kì thi của 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, thầy Lê Anh Tuấn khuyên các bạn học sinh chuẩn bị bước vào lớp 12 nên chuẩn bị tinh thần chủ động học tập, nhất là những tháng đầu năm học mới tới đây và trong năm học bất kì lúc nào chúng ta cũng có thể chuyển từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại.
“Với tình hình dịch bệnh không thể biết trước được, các em có thể lựa chọn cho mình cách học và ôn luyện theo hình thức trực tuyến bởi vì hình thức học trực tuyến sẽ giúp các em có quá trình học tập liền mạch và không bị gián đoạn bởi dịch bệnh giống như học trực tiếp với các thầy cô, giờ đây học trực tuyến rất tiện lợi và hoàn toàn đảm bảo được sứ mệnh giúp các em đỗ được các trường đại học mong muốn theo đúng năng lực của mình”, thầy Tuấn cho biết thêm.
Cùng với đó, các em học sinh nên xây dựng lộ trình ôn tập rõ ràng và hợp lí ngay từ bây giờ vì xuất phát sớm là một lời thế. Theo đó, học sinh nên chia kế hoạch học tập chia thành các giai đoạn. Bắt đầu từ lúc này đến hết tết dương lịch, các em cần hoàn thành toàn bộ chương trình học tập của lớp 12 để trang bị kiến thức nền tảng. Sau đó, từ tết dương lịch đến tháng 6/2022, các em bước vào quá trình học nâng cao và tổng ôn luyện đề để không bị bỡ ngỡ nếu đề thi có những sự biến động hơn so với năm 2020 và 2021.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ đề thi tổ hợp Khoa học tự nhiên của năm nay, học sinh 2004 không nên chủ quan vì cho rằng, do ảnh hưởng từ dịch bệnh thì chương trình học và đề thi có thể dễ hơn. Trên thực tế, so với năm 2020, đề thi các môn Lý, Hoá, Sinh đã khó hơn và có sự phân hoá rõ ràng. Chính vì thế, học sinh cần xác định mục tiêu rõ ràng: thi khối nào? Muốn đạt bao nhiêu điểm? Muốn vào trường nào? Để có định hướng chinh phục mục tiêu điểm số và trường đại học mơ ước.
Thầy Tuấn cũng lưu ý thêm, trong tình hình dịch bệnh phức tạp các trường đại học đã và đang có những chủ động và đa dạng trong phương thức tuyển sinh. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức, học sinh cần phải lưu ý đến các kỳ thi riêng của các trường đại học top đầu như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội,...Đồng thời, các em cũng cần cân nhắc nhiều phương án xét tuyển khác, tránh tình trạng chỉ có duy nhất 1 phương án. Bởi nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp có thể các trường đại học cũng sẽ không tổ chức các kỳ thi riêng.
Để làm được điều này, đòi hỏi học sinh cũng cần phải chủ động nắm bắt thông tin, có mục tiêu rõ ràng, xác định năng lực học tập thì mới có thể đạt được nguyện vọng mong muốn./.
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: Báo VOV