"Tôi đồng ý với ý kiến cô giáo. Nhìn thấy cái tờ đơn xin nghỉ học mà buồn vì bản thân phụ huynh đã viết không xong một cái đơn thì làm sao mà có thể dạy con được.
Bây giờ tôi thấy học sinh tiểu học viết chữ đầu dòng không viết hoa, xuống dòng không thụt vô hai ô... nói chung là nó tùm lum", bạn đọc Nông dân Củ Chi viết.
"Thông thường một giấy/đơn xin phép cần hai yếu tố: hình thức và nội dung. Hình thức là trang giấy, cách trình bày, chữ viết. Tờ giấy phép trên tôi cho là quá tùy tiện, thiếu tôn trọng. Xin đừng viện dẫn lý do này lý do nọ, vì nhà trường và thầy cô không 'bắt tội' việc xin phép trễ vì lý do chính đáng. Bản thân tôi rất đồng tình với bài viết của cô giáo B.N. Và cũng xin trích một câu phương ngôn là "nhìn nhà trường biết xã hội". Nhà trường không nghiêm thì xã hội sẽ loạn", bạn đọc Giao Thi nêu ý kiến.
Bạn đọc Hai thì viết: "Là những người đã từng cắp sách đến trường, chúng ta ai cũng cần biết chữ phải đủ chữ, câu phải đủ câu... Cái quan trọng là ý thức của người viết đơn. Nếu là vội vàng, gấp gáp, bạn có thể điện thoại cho cô giáo có sao đâu, còn khi đã viết thì phải viết cho có văn phạm. Chúng ta thường dạy con cái nói có chủ ngữ, vị ngữ. Hỏi Con ăn cơm chưa?, cháu trả lời Rồi, chúng ta dạy con nói Con ăn rồi; Thưa ông/bà/bố/mẹ con ăn rồi... Hãy đọc và suy ngẫm để dạy con nhé các bạn. Có những thứ đơn giản quá sẽ phản tác dụng".
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến ngược lại. "Tờ đơn xin nghỉ phép mục đích là để thông báo cho giáo viên biết em học sinh nào nghỉ phép, nghỉ bao lâu... để theo dõi lớp thôi. Nên chỉ cần đầy đủ nội dung như thế là được rồi. Viết cho dài dòng nhưng nội dung cần biết cũng chỉ nhiêu đó thì viết dài để làm gì, phí thời gian công sức", bạn đọc Yến góp ý.
Đồng quan điểm, bạn đọc Long viết: "Lá đơn xin phép nghỉ học cho con không cần thiết phải trình bày như một văn bản hành chính, chỉ cần nội dung là phụ huynh xin phép cho con nghỉ học là được rồi, đừng lề thói quá gây cảm giác giả tạo".
"Theo tôi khoan vội kết luận việc phụ huynh có tôn trọng giáo viên hay không qua lá đơn xin phép khi chúng ta chưa vào hoàn cảnh của người viết đơn. Đơn xin phép như trên tôi thấy nội dung là đầy đủ. Còn hình thức trình bày thì có thể do người viết chưa biết cách trình bày hoặc do cấp bách... Chúng ta đừng vội đao to búa lớn quy kết họ thiếu tôn trọng rồi ảnh hưởng thế hệ con cháu. Đôi lúc chúng ta cứ quá chú trọng tiểu tiết mà đã đánh giá nhân cách của con người thì cũng không được hay lắm", bạn đọc Jimmy nêu.
Trong khi đó bạn đọc Thu An cho rằng "tôn trọng phải có từ hai phía". "Một ví dụ nhỏ cho thấy phổ biến là nhà trường và thầy cô chưa tôn trọng phụ huynh: có nhiều thầy cô giáo dạy lố giờ hoặc vì lý do nào đó làm trễ giờ tan học buộc phụ huynh đưa đón con phải chờ đợi ngoài cổng mà không hề nhận được bất cứ thông tin hoặc lời xin lỗi nào", bạn đọc này viết.
Bạn đọc Huy Trần thì đề nghị: "Các loại giấy tờ hành chính như đơn xin nghỉ phép, nhà trường nên biến thành form (biểu mẫu chuẩn) hết. Học sinh nào muốn xin nghỉ thì lên phòng giáo vụ nhà trường xin mẫu về điền, lấy chữ ký của bố mẹ rồi gửi lại cho trường".
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Nhà trường nên chuẩn hóa mẫu đơn xin phép, phát cho học sinh và quy định mỗi học sinh được sử dụng bao nhiêu giấy phép trong một học kỳ hoặc được nghỉ phép bao nhiêu ngày/năm. Theo đó, phụ huynh chỉ điền thông tin vào mẫu rồi ký là được. Song có thể chụp hình gửi qua các phương tiện: Zalo, Viber, e-mail, trực tiếp... ", bạn đọc Thành Lê bổ sung.
Cô Đặng Thị Yến, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận, TP.HCM): Giáo viên nên thông cảm Ở trường chúng tôi, nếu học sinh bị bệnh hay bận việc gia đình đột xuất thì phụ huynh có thể gọi điện báo với nhà trường. Hôm sau, khi học sinh đị học lại thì nộp đơn xin phép nghỉ học, có chữ ký của cha hoặc mẹ học sinh. Đơn này nhà trường có mẫu in sẵn, học sinh chỉ việc điền tên mình vào và đưa cho phụ huynh ký tên là xong. Ngoài ra, ở trường Phú Nhuận: đơn xin phép nghỉ học không nộp cho giáo viên chủ nhiệm (vì có ngày giáo viên chủ nhiệm không có mặt tại trường) mà nộp cho giám thị, giám thị sẽ báo lại với ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm. Còn nếu xét kỹ hơn về nội dung, hình thức của đơn xin phép nghỉ học: nếu nhà trường không có mẫu đơn làm sẵn thì phụ huynh có thể viết thoải mái theo ý mình. Xã hội có nhiều tầng lớp người dân khác nhau thì trình độ văn hóa của họ cũng khác nhau. Do đó, cách viết đơn của họ cũng khác nhau. Thực tế có những phụ huynh không thể viết một lá đơn văn hoa như ý muốn của giáo viên vì trình độ văn hóa có hạn (hoặc có thể họ cũng chưa viết đơn xin phép nghỉ học cho con mình bao giờ cả). Trong trường hợp này, giáo viên nên thông cảm. Nếu giáo viên cảm thấy không hài lòng với lá đơn của phụ huynh thì có thể mời họ gặp mặt để góp ý và trao đổi, đưa cho họ mẫu đơn cơ bản để lần sau họ viết như mẫu đơn. Ở trường chúng tôi, mặc dù có mẫu đơn in sẵn nhưng nhiều phụ huynh vẫn không muốn sử dụng nó. Tôi đã từng nhận lá đơn xin phép nghỉ học của phụ huynh dài 2 trang giấy A 4. Trong đó, họ tâm sự về những lo lắng của bậc làm cha, làm mẹ, rằng cháu nghỉ học thì sẽ mất bài, nhờ thầy cô giúp cháu lấy lại kiến thức,… Khi đọc xong, tôi đã rất xúc động và gọi điện để trao đổi trực tiếp với phụ huynh. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng làm được như thế… H.HG (ghi) |
Tác giả bài viết: TTO
Nguồn tin: