Chưa cần dùng chiêu trò gian lận thuế, một chiếc Rolls-Royce có thể có mức lợi nhuận tới cả chục tỉ đồng.
Nhiều nhà phân phối chính hãng bị soi
Sau khi dư luận và báo giới trong đó có báo Lao Động phản ánh về tình trạng một số nhà phân phối chính hãng khai giá thấp để gian lận thuế, ăn lãi cao, đầu tháng 10 Bộ Tài chính đã tiến hành tổng thanh tra công tác chống buôn lậu, quản lý - giám sát đối với hoạt động nhập khẩu ôtô tại Tổng cục Hải quan, trong đó đặc biệt chú ý tới nhóm xe sang và xe dưới dạng quà biếu. Theo đó, thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1.1.2011 đến hết ngày 30.9.2016, thời điểm áp dụng thông tư 20/2011-TT BTC quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Kết quả thanh tra sẽ còn phải chờ tới hơn 1 tháng nữa mới được công bố. Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên của Bộ Tài chính cho biết, việc tổng thanh tra nói trên cùng những điều tra trước đó của cơ quan chức năng đã phát hiện ra một số dấu hiệu sai phạm quy định về thuế của 2 nhà phân phối xe sang chính hãng. Hai đơn vị này nhiều khả năng sẽ bị truy thu thuế lên tới hàng trăm tỉ đồng sau một thời gian dài gian lận thuế dưới nhiều hình thức trước và sau thông quan. Ngoài 2 thương hiệu này, được biết một số nhà phân phối chính hãng khác cũng đang nằm trong tầm ngắm của lực lượng chức năng.
Theo một cán bộ thuế lâu năm, hiện tượng gian lận thuế bằng cách khai giá thấp khi thông quan, viết hoá đơn giá thấp sau khi thông quan đã có từ khá lâu và trước năm 2011, tình trạng này bị phát hiện chủ yếu ở một số nhà phân phối thương mại. Tuy nhiên, sau khi thị trường xe nhập khẩu bị đóng cửa bằng thông tư 20 và lực lượng hải quan áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, tình trạng này có vẻ chuyển biến. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng này không hoàn toàn biến mất mà có sự biến tướng tinh vi hơn nhờ sự “bắt tay” kín kẽ giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối chính hãng.
Người này đưa ví dụ một mẫu xe hạng trung có giá bán thực khoảng 15.000 USD thì có thể được xuất hoá đơn chỉ 12.000 USD nhờ sự “bắt tay” giữa nhà sản xuất và nhà phân phối chính hãng, nếu giá này được cơ quan thuế chấp nhận, nhà phân phối có thể né được tiền thuế cho 3.000 USD chênh lệch.
Theo số liệu của Bộ GTVT, trong 9 tháng đầu năm, lượng xe nhập khẩu toàn thị trường vào khoảng hơn 72.000 xe các loại trong đó xe phi mậu dịch (biếu tặng, hồi hương, ngoại giao) chỉ hơn 1.200 xe, chiếm 0,017% thị phần xe nhập và xe đã qua sử dụng là hơn 8.400 xe.
Độc quyền + gian lận...
Việc hai nhà phân phối chính hãng có thể bị truy thu hàng trăm tỉ đồng tiền gian lận thuế một lần nữa khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về thực trạng méo mó của thị trường xe nhập của Việt Nam cũng như vai trò thực sự của Thông tư 20.
Trên thực tế, về lý thuyết, thông tư 20 đã hết hiệu lực từ ngày 1.7.2016 nhưng với lập luận về vai trò ngăn chặn gian lận thuế và bảo vệ người tiêu dùng, quy định này vẫn được tồn tại và thậm chí còn được các hiệp hội xe chính hãng từ nội tới nhập đề xuất là nên duy trì hoặc được thay thế bằng quy định tương tự.
Thế nhưng, việc một số nhà phân phối chính hãng cũng có dấu hiệu gian lận thuế cho thấy thông tư 20 dường như không có tác dụng ngăn chặn hiện tượng này. Trái lại, quy định này có vẻ như đã và đang giúp một số nhà phân phối chính hãng có lợi nhuận khủng hơn nhờ công thức độc quyền + gian lận thuế.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Cty TNHH Thiên Phúc An cho biết bản chất của thông tư 20 là tạo ra sự độc quyền khi giúp các nhà phân phối chính hãng “bóp chết” các đơn vị nhập thương mại. Ông này phân tích thông tư 20 đã ngầm chuyển quyền định đoạt thị trường xe nhập từ người Việt Nam sang người nước ngoài.
“Nếu không có thông tư 20, thị trường xe hoàn toàn do người tiêu dùng Việt định đoạt bởi nhà phân phối sẽ phải chạy theo cầu của người mua. Tuy nhiên, hiện nay, câu chuyện hoàn toàn ngược lại bởi nhà sản xuất nước ngoài có thể ép nhà phân phối chính hãng bán một số dòng xe không phải đời mới nhất, thậm chí là xe ế tại các thị trường khác và người tiêu dùng chẳng có lựa chọn nên buộc phải mua xe giá cao với chất lượng không tương xứng.” ông Tuấn lý giải.
Theo tìm hiểu, cùng một dòng xe sang nhập khẩu Toyota Prado đời 2016 bản tự động máy 2.7L, xe nhập chính hãng về Việt Nam không chỉ có tốc độ cập nhật phiên bản mới chậm hơn các thị trường cùng khu vực mà còn bị “xén” nhiều trang bị như hệ thống khởi động ngang dốc, chìa khoá thông minh khởi động bằng nút bấm nếu so sánh với sản phẩm tương ứng phân phối tại Australia. Trong khi đó, nếu giá xe tại Australia vào khoảng 40.000 USD thì giá xe tại Việt Nam vào khoảng 104.000 USD, gấp 2,6 lần giá xe có trang bị tốt hơn.
Trước đó, qua điều tra, mỗi đầu xe nhập chính hãng đều mang lại mức lợi nhuận khủng, chẳng hạn một chiếc Lexus RX 350 chưa cần “làm phép” đã có lãi hơn 500 triệu đồng còn một chiếc Rolls-Royce có thể ăn lãi mười mấy tỉ đồng và con số này còn cao hơn nữa nếu cái chiêu trò gian lận thuế và chuyển giá được sử dụng. Thực tế này khiến người tiêu dùng bị thiệt hại mà nhà nước cũng thất thoát thuế nhất là khi việc ngăn chặn các thủ đoạn chuyển giá tinh vi gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với báo giới về thông tư 20, chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long bình luận: “Khi Thông tư 20 ra đời, quy mô thị trường tiêu thụ xe hơi của Việt Nam rất bé. Nhưng nay, quy mô thị trường đã lớn, rộng thì phải có chính sách phù hợp. Quyền lực nhập khẩu không thể tập trung vào tay chỉ một vài DN lớn khiến lũng đoạn giá, bóp méo thị trường được. Tại sao các DN vừa sản xuất, vừa được nhập khẩu, điều đó có làm ảnh hưởng đến chiến lược ngành công nghiệp ô tô hay không? có kích thích họ nội địa hóa để nâng cao mức cạnh tranh hay không? Thị trường và người tiêu dùng đang chịu thiệt về giá bởi quyền nằm trong tay của một vài đơn vị nhập khẩu khiến giá xe nhập tại Việt Nam cao hơn nhiều so với cùng loại ở các nước lân cận, có cùng chính sách thuế, cùng hoặc dưới mức thu nhập”. |
Tác giả bài viết: Nhóm Phóng Viên