Bên trong khu nhà rộng khoảng 100m2, Thảo cần mẫn xử lý từng lá sen đang còn xanh tươi để kịp thời hoàn tất những chiếc nón lá sen nhằm phục vụ cho cuộc triển lãm tranh sen và nón lá được tổ chức vào dịp Festival Huế lần thứ 10 sắp diễn ra vào cuối tháng 4-2018.
Thảo kể, sau khi tốt nghiệp khoa Đồ họa, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, anh ra phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên sông Hương, để “khởi nghiệp” với nghề vẽ tranh bằng bút lửa. Tại đây, Thảo đã nhận ra sự thất vọng của nhiều du khách khi không thể chọn được một món quà lưu niệm truyền thống xứ Huế.
Nguyễn Thanh Thảo (góc phải ngoài cùng), với chiếc nón lá sen mang thương hiệu xứ Huế. |
“Lúc ấy mình nghĩ, Huế là một thành phố du lịch thì tại sao mình lại không làm một sản phẩm lưu niệm truyền thống gắn liền với hồn cốt con người Huế để phục vụ du khách. Bằng kiến thức đã học được từ giảng đường, cùng với ý tưởng dùng lá cây làm chất liệu cho các mặt hàng lưu niệm, từ năm 2017, mình đã bỏ thời gian nghiên cứu, sưu tầm để chọn ra những loại lá có đường vân rõ nét có thể làm hoa văn cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ”, Thảo kể lại.
Ban đầu, Thảo sử dụng lá cây bồ đề Ấn Độ để trang trí lên các sản phẩm được làm từ gỗ hoặc gốm, sành sứ. Tuy nhiên nhận thấy loại lá này có độ bền không cao anh tiếp tục tìm kiếm vật liệu thay thế. Và rồi, trong một lần chèo thuyền trên hồ Tịnh Tâm để hái lá sen, Thảo chợt nghĩ ra cách dùng những cánh lá sen mềm mại, có đường vân đẹp để làm nón lá.
Để thực hiện ý tưởng này, Thảo bỏ ra suốt nhiều tháng trời mày mò nghiên cứu cách xử lý lá sen từ công đoạn ủ lá bằng nước javel, đến phơi khô và ủi lá. Cuối cùng, những chiếc nón làm từ lá sen đã được ra đời trong niềm vui của Thảo và sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Nón lá sen do Thảo làm ra không chỉ được du khách trong nước mà người nước ngoài rất ưa thích. Một số doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc đã ký kết hợp đồng với Thảo để đưa sản phẩm nón lá sen ra nước ngoài. Đây cũng là tín hiệu vui đối với một sản phẩm truyền thống của xứ Huế.
Tác giả: Anh Khoa
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân