Du lịch

Độc đáo lễ hội Tả Tài Phán trên cao nguyên Mơ Nông

Cứ năm năm một lần, cộng đồng người Hoa tại Đắk Nông lại tổ chức lễ hội truyền thống Tả tài phán (lễ cầu bình an). Đây là một trong lễ hội lớn của đồng bào Hoa, là dịp để người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu trong năm tới.

Theo đó, lễ hội thực chất là một nghi lễ truyền thống, diễn ra trong nhiều ngày với nhiều nghi thức khác nhau như lễ dâng hương; lễ rước thần linh; lễ cầu thọ; lên núi đao, qua biển lửa; lễ cầu siêu… Trong khi cử hành lễ, các vị thầy cúng (pháp sư) sẽ biểu diễn các nghi thức với dàn kèn trống cùng sự hỗ trợ của các vị thầy cúng khác.

Lễ hội được tổ chức để cầu mong an bình, mưa thuận gió hòa, sức khỏe cho cộng đồng

Ông Dzịp Hứng Phong (trú xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp) cho biết: “Với người Hoa thì lễ hội Tả tài phán có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, do đó cứ 5 năm bà con trong thôn cũng như người Hoa đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đều tụ họp về đây để cùng nhau tham gia, tổ chức lễ hội. Ngoài việc ôn lại truyền thống thì lễ hội còn là dịp để chúng tôi có thể gặp gỡ người thân, động viên, san sẻ kinh nghiệm sống cũng như làm giàu trên quê hương mới”.

Từ trang phục đến các lễ vật cúng đều sặc sỡ sắc màu


Chính vì thế, trước ngày lễ diễn ra, bà con người Hoa ở khắp các địa phương trong tỉnh Đắk Nông tập trung về xã Đắk Ru chuẩn bị các vật dụng cần thiết để trang hoàng, dựng cột kèo, cổng chào, khu vực cầu thí và nơi thờ cúng để phục vụ hoạt động hành lễ.

Không gian diễn ra lễ hội được chuẩn bị chu đáo, hoành tráng, mọi vật dụng sặc sỡ sắc màu, mang đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Hoa. Đặc biệt, không thể thiếu trong ngày hội này chính là những câu đối, câu chúc may mắn được viết trên giấy đỏ dán khắp nơi. Với bà con, đó là cách để họ bước vào năm mới với niềm vui, phấn khởi mới .

Từ nhiều ngày trước, người Hoa khắp nơi đổ về để trang trí không gian khu vực làm lễ


Trong lúc cử hành nghi lễ, các vị pháp sư sẽ tụng kinh, biểu diễn các nghi thức với dàn kèn trống cùng sự hỗ trợ của các vị thầy cúng khác. Mỗi nghi thức đề có một bài cúng khác nhau.

Ngoài cầu an, trong lễ hội còn có nghi thức các vị thầy cúng leo lên cột dao sắc nhọn để hành lễ. Cột được làm bằng cây gỗ lớn mà bậc thang là những lưỡi sắc bén chìa ra. Bằng tài năng của mình, các vị pháp sư sẽ leo lên thang sắc nhọn bằng chân không mà không hề bị thương.

Pháp sư sẽ leo lên thang sắc nhọn bằng chân không là một trong những điểm độc đáo của lễ hội


Ông Lý San Ly (trú xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa) đưa vợ con vượt gần 100km đến tham dự lễ hội. Ông Ly cho hay, lễ này khi xưa chỉ tiến hành khi mùa màng thất bát, thiên tai nhiều thì người dân góp tiền để cầu trần gian bình an. Hiện nay, người dân khá giả nhiều nên thường chủ động cúng lễ để mong luôn được bình an. Tiền làm lễ là tiền người dân đóng góp, khách thập phương đến tham quan đều ăn bữa cơm thanh đạm, miễn phí.

“Chúng tôi đều là thế hệ con cháu người Hoa thứ 3, thứ 4 sinh sống tại Việt Nam. Mong muốn con cháu sau này biết và duy trì được những giá trị tốt đẹp của cha ông nên đã tổ chức nên lễ hội này”, ông Ly cho biết thêm.

Tràn ngập không gian là màu đỏ của câu đối, câu chúc và đèn lồng


Theo ông Vũ Quang Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru, trong những năm qua, ngoài việc tích cực phát triển kinh tế, đồng bào người Hoa trên địa bàn rất đoàn kết, đồng lòng cùng chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội. Đặc biệt, đồng bào tổ chức lễ hội truyền thống của dân tộc mình như lễ hội Tả tài phán, sau lễ hội người dân còn dùng tiền quyên góp được mang đi làm từ thiện hoặc giúp đỡ các hộ gia đình nghèo trong thôn có điều kiện khó khăn.

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP