Tái hiện cảnh bắt mạch, chẩn trị bệnh. Ảnh: Báo Công an Nhân dân |
Đây là một trong những hoạt động chào mừng 44 năm ngày giải phóng Hội An (28/3/1975/28/3/2019) và 20 năm ngày phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2019).
Theo đó, trong Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An trưng bày gần 200 hiện vật gốc và một số hiện vật phục chế, các tư liệu hỗ trợ liên quan đến nghề y truyền thống và nghề y ở Hội An.
Với 6 gian trưng bày, Bảo tàng nghề y truyền thống Hội An tái hiện không gian tiệm bán thuốc Bắc truyền thống với các khu trưng bày tủ thuốc, nơi bắt mạch, chẩn trị, nơi chờ đợi của bệnh nhân và khách hàng đến khám bệnh, cảnh bốc thuốc, cảnh phơi và bảo quản thuốc, cảnh chế biến một số loại thuốc...
Bên cạnh đó, bảo tàng còn có không gian trưng bày, giới thiệu về nghề y truyền thống của Việt Nam, nghề y truyền thống của Quảng Nam và Hội An cùng phòng thông tin tư liệu gồm nhiều cuốn sách quý về nghề đông y...
Theo sử liệu, từ thế kỷ XVI-XVII, đô thị thương cảng mậu dịch quốc tế Faifo - Hội An rất nổi tiếng về nghề y cổ truyền. Nơi đây, xưa kia trên nhiều dãy phố đều có hiệu thuốc nổi tiếng cùng với nhiều thầy thuốc giỏi như thầy Mười, thầy Chấn Nam Thành, thầy Trương Hùng Cơ… Sự đa dạng về chủng loại thuốc cùng với nhiều hiệu thuốc Nam, thuốc Bắc đã góp phần vào việc phát triển nghề y cổ truyền ở Hội An, cũng như ở Quảng Nam.
Việc ra đời bảo tàng này nhằm bảo tồn nghề y truyền thống vốn đã từng nổi tiếng ở Hội An trước nguy cơ mai một. Đồng thời cũng nhằm thu hút khách đến với Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An.
Tác giả: Lan Anh (t/h)
Nguồn tin: Báo Tổ quốc