Kinh tế

Doanh nghiệp tư nhân than cơ quan công quyền còn "tuỳ nghi, vòi vĩnh"

Theo phản ánh của doanh nghiệp, tình trạng giao tiếp ứng xử tuỳ nghi, vòi vĩnh, lạm dụng thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp vẫn rất phổ biến không chỉ riêng với khối doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà phần đông doanh nghiệp các ngành đều gặp vấn đề này.

Doanh nghiệp phản ánh, thái độ ứng xử của cơ quan công quyền với doanh nghiệp còn nhiều tùy nghi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước thềm Hội nghị đối thoại doanh nghiệp diễn ra vào đầu tháng 12 tới với sự tham gia của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng cải cách thủ tục hành chính, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn đã có bản tổng hợp nêu ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại.

Đối với ngành nông nghiệp, Ban Nghiên cứu cho biết, hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn chưa hiệu quả: Các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn chưa thiết thực, thiếu tính ổn định, độ hấp dẫn cũng như độ an toàn/bền vững của chính sách không cao. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục rườm rà, phức tạp, tốn nhiều thời gian cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận các cơ hội ưu đãi.

Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phù hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các cơ chế ưu đãi. Ngoài ra, do chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa để kiểm soát được chất lượng, sản lượng và giá trị cho nông sản cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển thương mại điện tử, chú trọng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm.

Còn đối với ngành du lịch, Ban Nghiên cứu cho biết, doanh nghiệp phản ánh, việc đầu tư quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia chưa tương xứng với mục tiêu phát triển và tiềm năng du lịch quốc gia. Ngân sách quốc gia dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch còn quá thấp so với tiềm năng, mục tiêu đột phá ngành.

Việc chi ngân sách cho xúc tiến, quảng bá du lịch còn dàn trải, kém hiệu quả, không gắn với phát triển các thị trường trọng tâm. Chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam còn là rào cản của ngành du lịch. Trong khi đó, môi trường điểm đến du lịch chưa được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp, làm giảm đáng kể lượt du khách muốn quay lại Việt Nam.

Đặc biệt, doanh nghiệp phản ánh: "Thái độ ứng xử của cơ quan công quyền với doanh nghiệp còn nhiều tùy nghi, lạm dụng thực thi chính sách, pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tình trạng giao tiếp ứng xử tuỳ nghi, vòi vĩnh, lạm dụng thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp vẫn rất phổ biến không chỉ riêng với khối doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà phần đông doanh nghiệp các ngành đều gặp vấn đề này".

Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật cũng còn khá tuỳ nghi, ít công khai minh bạch, thiếu thống nhất trên dưới, giữa các bộ ngành, đặc biệt là ở cấp địa phương nơi vẫn theo nề nếp cũ, bị động, ngại thay đổi để chuyển từ quản lý sang kiến tạo, đồng hành.

"Đề nghị Chính phủ quan tâm, xây dựng dữ liệu dùng chung liên quan đến doanh nghiệp để giảm tần suất thu nộp hồ sơ giấy tờ, giảm khả năng lạm dụng của các cơ quan công quyền. Đồng thời, cần tăng cường các giao tiếp điện tử và minh bạch hoá các quy trình tiếp xúc, làm việc giữa các bên", bản kiến nghị do ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân kiến nghị.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP