Những thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang làm doanh nghiệp xuất nhập khẩu khốn khổ đủ đường (ảnh minh họa).
Trong một báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lên Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong 9 tháng đầu năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 vẫn còn khoảng cách khá xa với mục tiêu của Nghị quyết. Trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về quản lý chuyên ngành.
Thực tế thời gian cho thấy công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu chưa có sự cải thiện (ngoại trừ một số ít lĩnh vực như kiểm dịch thực vật,…). Việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết vẫn đang là trở ngại, gây khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí và gây bức xúc trong doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm so với năm trước và chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn. Rất khó điều tra được tổng chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho kiểm tra chuyên ngành, nhưng chắc chắn là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp, tiêu tốn hàng nghìn tỉ mỗi năm.
Bộ này cũng dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương khoảng 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng (thử nghiệm tại Quantest 1), chưa kể chi phí vận chuyển. Có doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản một năm chi phí khoảng 6 tỉ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thủy sản (do Nafiquad kiểm tra).
Hay theo số liệu của Hải quan TPHCM, 6 tháng cuối năm 2015, số tờ khai nhập khẩu phải kiểm dịch là 28.135 tờ; kiểm tra ATTP 66.178 tờ; kiểm tra chất lượng 203.901 tờ; xin giấy phép và các loại giấy tương tự là 117.029 tờ. Như vậy, số lượng cho cả năm tạm tính là gấp đôi số tờ trên, tương ứng là: 56.270; 132.356; 407.802; và 234.058 tờ.
Theo khảo sát và phản ánh của doanh nghiệp năm 2015 và 2016, mức chi phí kiểm tra chuyên ngành tối thiểu cho một tờ khai như sau: phí kiểm dịch là 1 triệu đồng, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng.
Như vậy, tổng số chi phí cho việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành riêng đối với hàng hóa nhập khẩu làm thủ tục tại hải quan TPHCM khoảng hơn 1.136,5 tỷ đồng trong năm 2015. Chi phí này chưa bao gồm phí cấp giấy phép và các loại giấy tương tự; chi phí tiền vay; chi phí lưu kho bãi; chi phí lao động, ngày công; và các chi phí cơ hội khác.
Bên cạnh đó, thông thường, lượng tờ khai xuất nhập khẩu qua hải quan TPHCM chiếm khoảng 40% - 50% tổng số tờ khai toàn quốc, nhưng do cảng và sân bay ở TPHCM lớn nhất cả nước nên tỷ lệ hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành cao hơn các nơi khác. Vì vậy, chỉ tạm tính số lượng tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phát sinh ở tất cả các đơn vị hải quan còn lại tối thiểu bằng 50% của TPHCM. Như vậy, tổng chi phí cho 3 loại kiểm tra chuyên ngành trên (kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng) trong cả nước là khoảng 1704,75 tỷ đồng/năm 2015.
Tình trạng chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Vẫn còn khá phổ biến tình trạng một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư) trong cùng lĩnh vực hoặc thuộc các lĩnh vực khác nhau dẫn đến phải chịu sự quản lý của nhiều Bộ, với các cách quản lý khác nhau. Thậm chí, có mặt hàng chịu sự quản lý khác nhau của các đơn vị trong cùng một Bộ. Thực trạng này hầu như chưa có sự cải thiện.
Việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là tiền kiểm, thực hiện trước khi thông quan; kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết, kiểm tra theo lô hàng (chưa áp dụng quản lý rủi ro, quản lý trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp).
Tác giả bài viết: Phương Dung
Nguồn tin: