Tin địa phương

Đô thị hóa đẩy Đà Nẵng trước nguy cơ “đánh mất ký ức“

“Quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng mấy chục năm gần đây đang làm cho TP bên sông Hàn đối diện với nguy cơ "đánh mất ký ức” - ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP Đà Nẵng thẳng thắn nói.

Một góc đường phố Đà Nẵng

Nguy cơ… "đánh mất ký ức"

Tại hội thảo "Bàn về văn hóa lối sống đô thị Đà Nẵng" do Liên hiệp các Hội KH-KT TP, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng vừa tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lo ngại về sự mai một của văn hóa Đà Nẵng. Nhất là các ký ức, các di tích, công trình văn hóa lịch sử của Đà Nẵng đang dần mai một để nhường chỗ cho các khu đô thị mới.

Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng - quá trình đô thị hóa trong những năm gần đây đã biến Đà Nẵng thành một điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Chính sự tiếp xúc thường nhật với du khách đổ về Đà Nẵng làm tỏa sáng lối sống thân thiện, hiếu khách và lòng khoan dung về văn hóa, sẵn sàng chấp nhận cái khác của người dân địa phương.

Tuy nhiên, một bộ phận du khách, mà chủ yếu là khách Trung Quốc, đã lợi dụng tình trạng nhập cảnh tập nập, dễ sơ hở trong việc quản lý, để tác động theo hướng tiêu cực đến lối sống đô thị người Đà Nẵng, tạo nên những điểm đen, điểm tối trong môi trường văn hóa tinh thần ở Đà Nẵng. Đó là tình trạng tội phạm người Trung Quốc liên tiếp diễn ra đã làm xấu đi hình ảnh, an ninh an toàn và lối sống văn hóa, hiền hòa của địa phương.

Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, bên cạnh việc trở thành điểm đến của du khách, Đà Nẵng cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành TP “không có ký ức”, mặc dù thời gian qua chính quyền cũng có nhiều nỗ lực điểu chỉnh, tư duy trong phát triển không gian đô thị.

Trụ sở HĐND TP Đà Nẵng, một trong những công trình kiến trúc Pháp còn sót lại

“Quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng mấy chục năm gần đây còn làm cho TP bên sông Hàn đối diện với nguy cơ đánh mất… ký ức. Đừng để mang tiếng là TP “không ký ức”. Với ngần ấy nỗ lực vẫn chưa đủ để những di sản văn hóa vật thể cần bảo tồn có thể được bảo tồn, vẫn chưa đủ để đảm bảo trong tương lai không còn diễn ra các trường hợp đáng tiếc, đáng buồn”- ông Bùi Văn Tiếng nói.

Cũng quan điểm với ông Tiếng, KTS Trương Văn Ngọc - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng - thừa nhận việc các công trình kiến trúc, văn hóa xưa bị phá bỏ là một thực trạng.

“Các công trình của Pháp cũ ở Đà Nẵng hình như không bảo tồn được cái nào. Đà Nẵng đang mất đi những di sản văn hóa, mất dấu ấn một thời kỳ phát triển đô thị. Mỗi người và mỗi cơ quan phải có trách nhiệm chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị…” - KTS Trương Văn Ngọc bày tỏ.

Cần phát triển văn hóa đô thị theo chiều sâu

Đồng quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn mới, bà Cao Thị Huyền Trân - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần chuyển hướng phát triển TP theo chiều sâu, điều chỉnh tư duy, nhất là TP đã chú trọng việc tôn tạo các công trình văn hóa.

“Thời gian qua, TP. đã quan tâm hơn đối với các công trình văn hóa từ năm 2014. Đó là tôn tạo di tích thành Điện Hải, tôn tại làng cổ Nam Ô, xây dựng bảo tàng, thay đổi trụ sở HĐND để làm bảo tàng. Bảo tồn công trình văn hóa Pháp trước đây, để bảo tồn di tích…” - bà Cao Thị Huyền Trân nói.

Một vấn đề nữa được bà Cao Thị Huyền Trân đưa ra đó là làm sao để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, làm sao xây dựng được văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, mối quan hệ giữa con người với nhau trong sinh hoạt cộng đồng,… Và quan trọng nhất vẫn là vai trò của chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền giáo dục ý thức, hoàn thiện hạ tầng thụ hưởng văn hóa,…

“Đó là những thiết chế, là môi trường gắn kết cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”- bà Cao Thị Huyền Trân chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng cần chú trọng đầu tư thêm nhiều không gian công cộng, quảng trường, công viên, vườn hoa,…tại khu vực trung tâm lẫn các khu đô thị ngoại đô. Song song đó là bảo tồn phát huy giá trị văn hóa bản địa, như: đình làng, làng nghề truyền thống, các công trình văn hóa gắn với giai đoạn lịch sử, các công trình kiến trúc đặc trưng,... góp phần nâng cao và phát huy giá trị cộng đồng, vì đây là nhu cầu thiết yếu của con người hiện đại.

Đứng góc độ quy hoạch không gian đô thị, TS.KTS Phạm Phú Phong - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng - cho rằng, Đà Nẵng cần phát triển theo chiều sâu, phát triển văn hóa văn minh đô thị là nhiệm vụ quan trọng. Việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung là cơ hội rà soát, bổ sung quy hoạch tiêu chí bền vững, bổ sung quỹ đất cho các công viên, cây xanh, công viên ven biển, quảng trường, không gian lễ hội lớn bảo tồn văn hóa phi vật thể của TP.

“Vậy nên cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, các di tích, công trình đặc thù, đặc trưng trong các giai đoạn phát triển Đà Nẵng, kiến trúc tiêu biểu cùng những giải pháp gìn giữ, bảo tồn các công trình kiến trúc văn hóa cho mai sau.

Di tích văn hóa làng cổ Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) "xém bị xóa sổ" để nhường chỗ cho khu du lịch

Không chỉ vậy, cần nhận thức đầy đủ việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong quy hoạch, tổ chức không gian đô thị gắn liền với việc tạo dựng được không gian tương xứng để bảo tồn các di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống địa phương” - TS.KTS Phạm Phú Phong nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT TP Đà Nẵng - đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, đồng thời, nhấn mạnh vai trò to lớn của chính quyền địa phương trong tiến trình xây dựng văn hóa đô thị, nhất là kêu gọi người dân và các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia, chấp hành các quy tắc chung của đô thị văn minh.

Tác giả: Hồ Xuân Mai

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP