Theo nội dung trong đơn và những thông tin trao đổi trực tiếp với nạn nhân, do trót quan hệ tình dục trước hôn nhân dẫn đến có thai ngoài ý muốn nên chị cùng bạn trai quyết định chấm dứt thai kỳ vì chưa đủ điều kiện lập gia đình và chăm sóc con nhỏ.
Ngày 3/10, họ tìm đến phòng khám Đa khoa Đại Đông (số 461, Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình) nhờ tư vấn, xử lý. “Sau khi làm xét nghiệm máu, siêu âm, kiểm tra nước tiểu, đại diện phòng khám cho biết em có thai 8 tuần. Chúng em được tư vấn và quyết định đình chỉ thai kỳ bằng phương pháp hút thai chân không với tổng giá tiền dịch vụ là 8.830.000 đồng.
Chiều 4/10 em trở lại phòng khám thực hiện kỹ thuật. Lúc 19h cùng ngày, khi đang trên bàn tiểu phẫu, thì người phiên dịch truyền đạt lại lời của bác sĩ người Trung Quốc rằng trong cổ tử cung của em có polyp phải xử lý mới có thể hút thai.”
Phiếu thu thể hiện 2 khoản tiền bệnh nhân bị vẽ bệnh, ký nợ khi đang trên bàn tiểu phẫu |
Nữ nạn nhân nói tiếp: “Khi nghe chi phí dùng tia laser đốt polyp lên tới 15.800.000 đồng em đắn đo không muốn thực hiện nhưng họ nói nếu không xử lý thì sẽ băng huyết. Do không mang đủ tiền nên các y tá bắt bạn trai em phải ký giấy nợ và lăn tay vào bản đồng ý thực hiện kỹ thuật.”
Nạn nhân bức xúc: “Trong quá trình phẫu thuật chẳng biết họ làm gì mà em rất đau đớn, em đề nghị được gây mê. Lúc này, nhân viên phòng khám đưa ra mức giá là 15.800.000 đồng. Em không đồng ý và đề nghị dừng lại thì họ nói với giọng đe dọa nếu dừng lại sẽ nguy hiểm đến tính mạng và em phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Dù biết bị lừa nhưng em và bạn trai không thể làm gì hơn, anh tiếp tục phải lăn tay, ký giấy nợ.”
Theo nạn nhân, ngày hôm sau, mẹ cô ở quê phải vay “nóng” để đóng viện phí cho con. Tổng số tiền sau ca tiểu phẫu hút thai lên tới 41.881.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, cô liên tục ra máu, đến Bệnh viện Từ Dũ kiểm tra lại cô mới được bác sĩ cho hay tử cung của cô không có polyp, thai không được hút sạch nên nguy cơ nhiễm trùng. Sau nhiều ngày điều trị nội khoa tích cực, sức khỏe nạn nhân mới dần ổn định.
Đường dây nóng của Sở Y tế khuyên gửi đơn lên... công an
Liên quan đến vụ việc trên, nữ nạn nhân cho hay, sau khi biết mình bị phòng khám Trung Quốc lừa đảo, vẽ bệnh, chiếm đoạt tài sản, cô đã gọi điện đến đường dây nóng của ngành y tế đề nghị điều tra, làm rõ và xử lý những đối tượng có liên quan. “Tuy nhiên, người tiếp nhận đường dây nóng không hướng dẫn cụ thể cho em cần phải làm gì mà lại khuyên em nên là đơn gửi đến chính quyền địa phương là công an quận Tân Bình nơi phòng khám đang hoạt động.”
Chỉ có 17 phòng khám Trung Quốc nhưng đang làm loạn trên địa bàn TPHCM |
Không chỉ vụ việc trên mà nhiều nạn nhân từ các vụ việc tương tự đã bị mất những số tiền rất lớn cho việc tiểu phẫu như đi cắt bao quy đầu bị dọa nhiễm trùng đường tiểu, bị bệnh tuyến tiền liệt, đi khám phụ khoa dọa nguy cơ ung thư... nhiều người bệnh khi bị sập bẫy đã phải ký giấy nợ, đóng cho các phòng khám Trung Quốc với số tiền lên tới gần cả trăm triệu đồng.
Trong khi đó, ông Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế cho hay: Tình trạng người bệnh phản ánh về những sai phạm tại các phòng khám có yếu tố Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm qua. Năm 2016 Sở Y tế đã mời các phòng khám đến họp, chấn chỉnh nhưng trên thực tế người bệnh phản ánh ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, trong 3 tháng qua, thanh tra chuyển sang hình thức đánh giá chất lượng mà không đi kiểm tra nên phản ánh tăng lên.
Chánh thanh tra Sở Y tế cũng bác thông tin ngành y tế bao che cho phòng khám Trung Quốc từ cộng đồng.
Ông Trạng cho biết, qua đơn thư phản ánh của nhiều bệnh nhân, Sở Y tế nhận thấy, các phòng khám đều có chung một kịch bản, khi người bệnh mới đến được đón tiếp ân cần, được giải thích, thực hiện xét nghiệm, siêu âm với mức giá phù hợp. Tuy nhiên, khi đi vào điều trị nhiều bệnh khác lại phát sinh, buộc bệnh nhân phải đồng ý làm thủ thuật. Khi bị phản ánh, các phòng khám giải trình theo hướng khác có lợi cho họ để đối phó với các cơ quan chức năng. Những bác sĩ sai phạm bị mời đến làm việc thì hầu hết đều nghỉ việc... |
Tác giả: Vân Sơn
Nguồn tin: Báo Dân trí