Bạn cần biết

Đi bộ càng nhanh càng sống lâu

Một nghiên cứu mới mang đến tin vui cho những người đi bộ - và đặc biệt là những người thích đi với tốc độ nhanh. Càng đi nhanh, bạn càng có thể sống lâu.

Nghiên cứu mới nghiên cứu mối liên quan giữa tốc độ đi bộ và nguy cơ tử vong.

Người ta đã biết rằng đi bộ có thể giúp bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Đi bộ ít nhất là 2 giờ mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

Hoạt động này cũng đã được liên hệ với nâng cao khả năng nhận thức và tâm lý tốt hơn.

Nhưng trong khi hầu hết các nghiên cứu chỉ xem xét tác động của đi bộ như một hoạt động đối với các khía cạnh khác nhau của sức khỏe hoặc tập trung vào thời gian nên dành cho việc đi bộ để tận hưởng những lợi ích của nó, không có nhiều sự chú ý được dành cho tác động của tốc độ đi bộ đối với kết quả lâu dài.

Đây chính xác là điều mà các nhà khoa học từ năm đơn vị trên cả hai lục địa muốn tìm hiểu. Các đơn vị này bao gồm Đại học Sydney ở Úc, Đại học Limerick ở Ireland và các trường Đại học Cambridge, Edinburgh và Ulster, tất cả đều ở Vương quốc Anh.

GS. Emmanuel Stamatakis - từ Đại học Sydney – chủ nhiệm nghiên cứu cùng nhóm các nhà khoa học đã tìm hiểu mối liên quan giữa tốc độ đi bộ và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư và tất cả các nguyên nhân.

"Tốc độ đi bộ có liên quan đến nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân, nhưng vai trò cụ thể của nó - không phụ thuộc vào tổng lượng hoạt động thể chất của một người - rất ít sự chú ý cho đến nay", GS. Stamatakis giải thích.

Các phát hiện của nhóm nghiên cứu hiện đã được công bố trên tạp chí British Journal of Sports Medicine.

Đi bộ vì cuộc sống

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 11 điều tra cộng đồng được tiến hành tại Anh từ năm 1994-2008, thu thập dữ liệu của 50.225 người đi bộ.

Từ các điều tra, GS. Stamatakis và các đồng nghiệp đã thu thập thông tin về tốc độ đi bộ tự khai của những người tham gia, được mô tả là "chậm", "trung bình" hoặc "nhanh".

"Tốc độ nhanh", GS. Stamatakis giải thích, "thường là 5 đến 7km/giờ, nhưng nó thực sự phụ thuộc vào mức độ thể lực của người đi bộ, một chỉ báo thay thế là đi bộ với tốc độ khiến bạn phải thở gấp một chút hoặc đổ mồ hôi khi duy trì tốc độ như vậy”.

Để hiểu tốc độ đi bộ liên quan đến nguy cơ tử vong như thế nào, những dữ liệu này được liên kết với hồ sơ tử vong. Các nhà khoa học đã hiệu chỉnh phân tích về các yếu tố ảnh hưởng, như tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể (BMI) và thói quen hoạt động thể chất nói chung.

Kết quả cho thấy trong khi tốc độ đi bộ "trung bình" có liên quan với giảm 20% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, thì đi với tốc độ "nhanh" được gắn với giảm 24% nguy cơ.

Khi nói đến các nguyên nhân cụ thể làm giảm tuổi thọ như bệnh tim mạch, nhóm nghiên cứu thấy rằng những người đi bộ nhanh có nguy cơ tử vong liên quan giảm 21%. Đối với những người đi bộ với tốc độ trung bình, nguy cơ này giảm 24%.

Đồng thời, GS Stamatakis giải thích tiếp: "Trong khi giới tính và chỉ số khối cơ thể có vẻ không ảnh hưởng đến kết quả, đi bộ với tốc độ trung bình hoặc nhanh có liên quan đến giảm đáng kể nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân và bệnh tim mạch. "

Tuy nhiên, ông nói thêm, "Không có bằng chứng cho thấy tốc độ đi bộ có ảnh hưởng đáng kể đến tử vong do ung thư."

Người già có thể gặt hái được những lợi ích lớn hơn

Đặc biệt, người cao tuổi có vẻ gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ việc đi bộ nhanh.

Những người từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch thấp hơn 46% nếu họ đi với tốc độ trung bình và giảm 53% nguy cơ nếu họ đi nhanh.

Những phát hiện này là đủ để đưa ra những thông điệp về tầm quan trọng không chỉ của việc đi bộ, mà còn về tốc độ đi bộ.

"Đặc biệt trong các tình huống khi không thể đi bộ nhiều do áp lực thời gian hoặc môi trường ít thân thiện với người đi bộ", GS. Stamatakis nói, "thì đi bộ nhanh có thể là một lựa chọn tốt để tăng nhịp tim - điều mà hầu hết mọi người có thể dễ dàng tích hợp vào cuộc sống của mình. "

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng việc xác định mối quan hệ nhân quả trong bối cảnh này có thể rất phức tạp.

"Phân tách hiệu quả của một khía cạnh cụ thể của hoạt động thể chất và hiểu được mối liên hệ nhân quả của nó với nguy cơ tử vong sớm là rất phức tạp", GS. Stamatakis giải thích.

Tuy nhiên, ông nói: "Giả sử kết quả phản ánh quan hệ nhân quả, thì phân tích cho thấy tăng tốc độ đi bộ có thể là một cách đơn giản để cải thiện sức khỏe tim mạch và nguy cơ tử vong sớm - cung cấp một thông điệp đơn giản cho các chiến dịch sức khỏe cộng đồng".

Tác giả: Cẩm Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: đi nhanh , sống thọ , đi bộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP