Bức thư được gửi tới Harvard vào ngày 17/11, đưa thời hạn cho tới ngày 1/12, trường này phải chuyển nhiều hồ sơ mà các quan chức của Bộ Tư pháp đã yêu cầu hồi tháng 9, trong đó có các đơn xin nhập học và hồ sơ đánh giá ứng viên của trường.
Bộ Tư pháp cho biết Harvard đã theo đuổi “chiến lược trì hoãn”, và đe dọa sẽ kiện trường nếu không gửi các hồ sơ trước hạn cuối mà Bộ này đưa ra.
“Chúng tôi thành thực hi vọng rằng Harvard sẽ nhanh chóng khắc phục việc không tuân thủ của mình và quay trở lại với cách tiếp cận hợp tác” – bức thư viết, và nói thêm rằng “Harvard chưa cung cấp bất cứ một tài liệu nào”.
ĐH Harvard |
Cuộc điều tra này có liên quan tới một vụ kiện cấp liên bang của một nhóm sinh viên vào năm 2014, trong đó cáo buộc Harvard đang giới hạn số sinh viên Mỹ gốc Á trúng tuyển mỗi năm. Một đơn khiếu nại tương tự cũng được nhóm này gửi tới Bộ Tư pháp.
Một tuyên bố từ Harvard vào hôm 21/11 nói rằng, trường này “chắc chắn sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình”, nhưng họ cũng cần phải bảo mật hồ sơ của các ứng viên.
Harvard cho biết trường đang tìm cách làm việc với Bộ Tư pháp theo cách tốt nhất để đảm bảo việc này.
Không riêng gì Harvard, nhiều trường đại học ưu tú đang được đánh giá là có xem xét đến yếu tố chủng tộc khi nhận sinh viên vào trường, như một cách để đảm bảo yếu tố đa dạng cho môi trường của họ.
Năm ngoái, ĐH Texas đã được Tòa án tối cao chấp nhận việc tuyển sinh có xem xét tới yếu tố chủng tộc, nhưng cũng nói rõ rằng phán quyết này không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả các ngôi trường khác.
Edward Blum – nhà chiến lược pháp lý đứng đằng sau vụ kiện năm 2014 chống lại ĐH Harvard – ủng hộ cuộc điều tra về cái mà ông gọi là “chính sách tuyển sinh phân biệt đối xử”.
“Chỉ tiêu sinh viên châu Á để cân bằng chủng tộc của Harvard đã bị các cơ quan liên bang lờ đi quá lâu rồi” – ông nói. “Cuộc điều tra này là một tiến triển đáng được hoan nghênh”.
Tác giả: Nguyễn Thảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet