Dự kiến đến năm 2026, các thủ tục pháp lý để thành lập trường Đại học Thống kê trực thuộc Tổng cục thống kê sẽ hoàn thành. Ảnh: Cao đẳng Thống kê. |
Theo dự thảo, Bộ KH&ĐT đề xuất thành lập Đại học Thống kê trên cơ sở sáp nhập Cao đẳng Thống kê (tỉnh Bắc Ninh) và Cao đẳng Thống kê II (tỉnh Đồng Nai).
Bộ KH&ĐT nhận định 2 trường cao đẳng trên đã xây dựng được đội ngũ giáo viên có trình độ; kinh nghiệm giảng dạy, cùng với cơ sở vật chất ban đầu. Vì vậy, việc sáp nhập 2 trường sẽ có đủ điều kiện nâng cấp thành Đại học Thống kê, gồm 2 cơ sở đặt tại 2 trường cao đẳng cũ.
Dự kiến đến năm 2026, các thủ tục pháp lý để thành lập trường Đại học Thống kê trực thuộc Tổng cục thống kê sẽ hoàn thành. Kinh phí xây dựng, mua sắm thiết bị, phương tiện dạy và học của Đại học Thống kê dự kiến là 222 tỷ đồng.
Bộ KH&ĐT đánh giá hiện cả nước có 237 trường đại học, nhưng đào tạo chuyên ngành Thống kê chủ yếu ở 4 trường: Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội); Đại học Huế; Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Đại học Kinh tế TP.HCM. Số sinh viên chuyên ngành Thống kê tốt nghiệp hàng năm khoảng 300-400 người, chiếm 0,2% tổng số sinh viên tốt nghiệp của 4 trường này.
Với nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận đáng kể sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thống kê tìm vị trí việc làm tại các lĩnh vực khác. Số còn lại thấp xa so với nhu cầu tuyển dụng nhân lực thống kê trình độ đại học của các tổ chức, đơn vị.
Chính vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng việc sáp nhập, nâng cấp 2 trường cao đẳng, thành lập Đại học Thống kê có tính khả thi cao; đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực thống kê có trình độ đại học.
Đối với Tổng cục Thống kê, việc thành lập Đại học Thống kê sẽ giúp tinh gọn bộ máy do giảm thêm một đơn vị sự nghiệp; đồng thời có thể chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực thống kê chất lượng cao.
Tác giả: Ngọc Bích
Nguồn tin: lifestyle.zingnews.vn