Giáo dục

Trường đại học Ngoại thương công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm

Ở phương thức xét kết quả học của thí sinh trường chuyên, học sinh giỏi quốc gia, Đại học Ngoại thương đưa ra mức điểm trúng tuyển cao nhất 30,5 với ngành Truyền thông và Marketing tích hợp đào tạo tại cơ sở TP.HCM.

Với phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế, ngành Kinh tế (chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại) có điểm chuẩn cao nhất 30.

Còn phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực, trường này quyết định mức điểm chuẩn cao nhất 28,1 vào ngành Kinh tế (chương trình tiêu chuẩn) và ngành Kinh doanh quốc tế (chương trình tiêu chuẩn).

Đại học Ngoại thương xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia/đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi/thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đoạt giải (nhất, nhì, ba) trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc 12 và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và các chương trình chất lượng cao Ngôn ngữ thương mại.

Ảnh minh họa



Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, áp dụng cho 5 chương trình tiêu chuẩn.

Phương thức này chia thành 2 đợt tuyển sinh. Đợt 1 từ ngày 22 đến 31/5; đợt 2 vào tháng 7.

Trường ĐH Ngoại thương tăng học phí hầu hết chương trình đào tạo, mức tăng dao động 5-10 triệu đồng/năm.

Cụ thể, học phí dự kiến năm học 2023-2024 đối với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/sinh viên/năm.

Học phí chương trình Chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm.

Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm.

Học phí của các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế: Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, Chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, Chương trình Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Chương trình CLC Luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, dự kiến khoảng 45 triệu đồng/năm. Học phí của chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/năm.

Tác giả: Việt Hương (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP