Ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ thông tin, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt như tước quyền sử dụng giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn, và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người.
Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Riêng lĩnh vực quảng cáo, các tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu sử dụng một trong các từ "nhất" "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.
Những quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được phép bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Còn quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng với sản phẩm cùng loại của tổ chức, cá nhân khác, hoặc có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức... thì bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
Dự thảo cũng quy định phạt từ 40 đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo.
Bộ Y tế đề xuất phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với việc sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. Mức phạt này cũng được áp dụng xử phạt khi cơ sở, cá nhân sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân hoặc nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Tác giả: Hoàng Thùy
Nguồn tin: Báo VnExpress