Tiếp tục phiên họp thứ 44, sáng 24/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Đây là tên nghị quyết được Chính phủ trình, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét bổ sung nội dung này vào kỳ họp thứ 9 đã yêu cầu sửa thành dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù về tài chính và chính quyền đô thị cho phù hợp thẩm quyền của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù về tài chính và chính quyền đô thị của Đà Nẵng |
Một trong những nội dung được Chính phủ đề xuất tại dự thảo nghị quyết này là cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (ở quận, phường).
Theo mô hình này thì chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Cấp quận và phường không tổ chức hội đồng nhân dân mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là uỷ ban nhân dân quận và uỷ ban nhân dân phường.
Do không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của hội đồng nhân dân quận và phường được chuyển lên cho hội đồng nhân dân thành phố; một số nhiệm của hội đồng nhân dân phường được chuyển lên cho uỷ ban nhân dân quận cho phù hợp.
Cơ cấu tổ chức cũng được thí điểm đổi mới như: quy định thành lập các tổ đại biểu hội đồng nhân dân thành phố tại quận, phường để giám sát các hoạt động của quận, phường khi không tổ chức hội đồng nhân dân. Quy định Uỷ ban nhân dân quận, phường chỉ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quận sự, Trưởng công an quận, phường. Quy định uỷ ban nhân dân cấp trên bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cách chức Chủ tịch, các Phó chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp dưới.
Với mô hình này thì chỉ tổ chức một cấp ngân sách thành phố, theo đó quận và phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách của Thành phố thay vì 3 cấp ngân sách Thành phố, quận, phường như trước đây.
Chính phủ khẳng định mô hình trên phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị trên địa bàn quản lý nhỏ gọn, số lượng đơn vị hành chính cấp quận ít (Đà Nẵng chỉ có 6 quận) nếu so sánh với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, đây là mô hình mà thành phố Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2009-2016 và tổng kết thí điểm cho thấy công tác chỉ đạo điều hành quản lý hành chính của uỷ ban nhân dân từ cấp Thành phố đến quận, phường được xuyên suốt, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và người dân Thành phố.
Tham tra thẩm tra dự thảo nghị quyết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Cùng với việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, việc thực hiện thí điểm tại thành phố Đà Nẵng sẽ có thêm cách làm mới để trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và thực tiễn nhằm đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tuy nhiên, có ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay có một số thành phố trực thuộc trung ương đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và mô hình tổ chức chính quyền đô thị, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Vì vậy, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng như cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.
Tác giả: Nguyễn Lê
Nguồn tin: Báo Đầu tư