Sáng nay (21/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi). Liên quan đến kỳ thi "2 trong 1" hiện nay, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cách tổ chức thi vừa qua cần xem lại cho hợp lý bởi tỷ lệ đỗ quá cao, có địa phương đạt 99%.
Đại biểu Phạm Văn Hoà. |
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề xuất cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ cấp bằng THPT với những điều kiện cụ thể hoặc tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, còn học sinh học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực. Từ đó, chất lượng đầu vào của kỳ thi sẽ cao hơn, đồng thời tiết kiệm được đáng kể cho xã hội.
Trăn trở với vấn đề đổi mới giáo dục, đại biểu Bùi Văn Phương đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta đổi mới là cứ phải làm khác cũ?".
Ông đặt vấn đề: "Chẳng lẽ chúng ta cứ đổ lỗi mãi cho kinh tế thị trường, cho mạng xã hội hay sao! Ngược lại xem, cha ông chúng ta ngày xưa được giáo dục thế nào? Ngày xưa, chúng ta chọn thầy hay chữ, dữ đòn. Yêu thương con là yêu cho roi cho vọt. Ở thế hệ chúng tôi, lưu ban là chuyện bình thường, tỷ lệ tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 thấp là bình thường. Các thầy cô trách phạt học sinh trong lớp nhưng sống với nhau rất tình cảm.
Sao bây giờ cái gì cũng sợ. Đánh giá bằng điểm thì sợ các cháu buồn. Cho các cháu lưu ban, không tốt nghiệp thì sợ các cháu tổn thương. Nghiêm khắc với học sinh thì sợ mạng xã hội, dư luận xã hội... Phải chăng ông ta chúng ta sai hết sao?".
Từ đó, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị không đưa quy định tuổi chính xác phải vào lớp 1, lớp 6, lớp 10 với mong muốn học sinh thi có đỗ có trượt, tránh bệnh thành tích.
"Nếu cứ tiếp tục để bệnh thành tích kéo dài thì không biết rồi tương lai thế nào. Nếu chúng ta cứ ảo tưởng về con em mình, không biết rồi sẽ thế nào?", đại biểu Phương chốt lại.
Tác giả: NHẠC DƯƠNG
Nguồn tin: Báo VTC News