Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2019", Báo Người Lao Động vừa tổ chức talk show với chủ đề "Nhận định đề thi THPT quốc gia 2019, bí quyết đạt điểm cao" với sự tham dự của các giáo viên giàu kinh nghiệm trong ôn tập và luyện thi tại TP HCM. Các giáo viên đã chia sẻ những "bí kíp" quý giá giúp học sinh tự tin hơn khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang cận kề.
Chú trọng tính vận dụng
Vấn đề nhiều thí sinh quan tâm hiện nay là độ khó cũng như những đổi mới của đề thi năm nay. Thạc sĩ Huỳnh Thị Hoàng Dung, Trưởng Khoa Cơ bản Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, cho biết so sánh đề thi minh họa 2019 và đề thi chính thức 2018, với môn toán, đề minh họa năm nay phạm vi kiến thức tập trung ở lớp 12 lên đến 90%, tăng 10% so với năm 2018; kiến thức lớp 10 và 11 khoảng 10%.
Các giáo viên chia sẻ kinh nghiệm trước kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại trường quay Báo Người Lao Động Ảnh: TẤN THẠNH |
Những câu hỏi liên quan thực tiễn, đề thi minh họa chỉ có 3 câu. Các câu hỏi của đề thi chia làm 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Có 2 sự khác biệt giữa đề thi minh họa 2019 và đề thi chính thức 2018, đó chính là ở mức độ thông hiểu, tỉ lệ câu hỏi tăng lên 30% trong khi năm 2018 chỉ 20%. Ở câu hỏi vận dụng cao, đề chính thức 2018 chiếm 30%, đề thi minh họa 20%, từ 15 câu hỏi vận dụng cao ở đề thi chính thức năm 2018 thì năm nay ở đề minh họa chỉ 10 câu hỏi.
Theo cô Dung, đề thi năm 2019 sẽ không quá khó mà rải đều ở các cấp độ nhận thức. Các câu hỏi liên hệ thực tiễn có khoảng 2-3 câu có thể liên quan tính thể tích, lãi suất ngân hàng, tính giá thành; cũng có thể có câu hỏi liên kết vật lý và toán…
Đối với đề thi môn ngữ văn, thầy Lê Duy Tân, giáo viên ngữ văn Trường THPT Gia Định (TP HCM), cho rằng xu hướng và cách thức ra đề thi những năm gần đây thông thường chú ý kiểm tra kiến thức lẫn kỹ năng. Những vấn đề được đặt ra trong đề văn ngày càng gần gũi và gắn bó với cuộc sống. Điều này dễ dàng nhận ra trong đề thi năm 2016, 2017, 2018 với xu hướng bám sát những vấn đề trong cuộc sống. Nhiều người sẽ tưởng rằng đề thi bám vào những vấn đề xã hội nóng bỏng nhưng thực tế, đề thi quốc gia sẽ có xu hướng không đưa những vấn đề nóng bỏng, đặc biệt là những vấn đề nóng về sự kiện mà thiếu nhân văn và không hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Cũng theo thầy Tân, đề thi cũng sẽ có 3 phần: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Thời lượng sẽ rút lại so với các năm 2016, 2017 và 2018. Nội dung câu hỏi sẽ hỏi sâu vào văn bản, đánh sâu vào kỹ năng đọc hiểu, cắt nghĩa, lý giải. Bài văn 600 chữ (năm 2016) sẽ rút ngắn còn đoạn văn 200 chữ. Trong 200 chữ rất khó biểu đạt nội dung phong phú nên yêu cầu của đề hướng đến là ngoài việc nắm kiến thúc tốt còn phải có kỹ năng mới có điểm tốt.
Bài văn cần có "chất văn"
Trước băn khoăn liệu những chủ đề nào của cuộc sống có thể được đề cập trong đề thi môn ngữ văn năm nay, thầy Lê Duy Tân cho rằng trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề để quan tâm và đề thi sẽ đề cập những vấn đề cơ bản như lòng tự trọng, cách ứng xử của mỗi cá nhân trên mạng xã hội, tinh thần phấn đấu, bảo vệ môi trường… chứ không đi vào những vấn đề nhất thời, bề nổi.
Theo thầy Tân, để có kết quả tốt, phần đọc hiểu cũng như nghị luận xã hội cần lưu ý những vấn đề sau: phần đọc hiểu, lưu ý các câu hỏi thường có những từ khóa, lệnh đề rất rõ ràng. Ví dụ đề sẽ cho một đoạn thơ và hỏi rằng đoạn thơ trên cho anh/chị nhận thức được điều gì về cảm xúc của tác giả? Từ khóa của nó là "cảm xúc của tác giả" nên câu trả lời sẽ hướng đến điều đó. Phần đọc hiểu cũng thường có những câu hỏi như "theo tác giả văn bản" hoặc là "theo văn bản…", với lệnh đề này, sẽ tìm câu trả lời trong văn bản; cũng có những câu như "theo anh chị", lúc đó thí sinh sẽ bày tỏ quan điểm. Tuy là quan điểm cá nhân nhưng phải mang tính hợp lý, thuyết phục.
Thí sinh cũng nên lưu ý số lượng yêu cầu trong câu hỏi, ví dụ: "Anh/chị có đồng tình với ý kiến được nêu trong bài viết hay không? Vì sao?". Câu này có 2 vế hỏi, vế thứ nhất là có đồng tình không, vế thứ 2 là vì sao. Trong bài làm cũng phải đủ 2 vế trả lời như là: tôi đồng tình/không đồng tình, đưa ra lý do đồng tình/không đồng tình… "Đây là những vấn đề lặt vặt, thí sinh biết nhưng đôi khi lại bỏ qua khiến mất điểm rất uổng" - thầy Tân lưu ý.
Thầy Tân cũng cho rằng bài văn để đạt điểm tối đa phải có cảm xúc. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm trong chương trình có độ lùi thời gian xa so với các em nên việc thể hiện cảm xúc là rất khó. Những tác phẩm thời hiện đại, gần gũi cuộc sống, các em dễ thể hiện cảm xúc hơn. "Với những đề thi thiên về cuộc sống trong những năm gần đây, tôi rất mong có những đề văn các em dung hòa được yêu cầu thi cử lẫn con người văn chương vốn có trong mỗi thí sinh" - thầy Tân nói.
Đối với môn toán cũng như bài thi khoa học tự nhiên, theo cô Huỳnh Thị Hoàng Dung, để đạt được điểm như mong muốn, nguyên tắc là đọc kỹ đề, câu dẫn đề, không nên dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi và bỏ qua những câu hỏi khó để quay lại khi có thời gian. "Đối với bài thi tổ hợp, thí sinh thường mắc sai lầm là dồn hết sức cho môn thi đầu khiến môn thi cuối bị đuối sức. Do vậy, các thí sinh cần phân bổ tốt sức khỏe cho 3 môn trong bài thi tổ hợp" - cô Dung lưu ý.
Tác giả: Huy Lân
Nguồn tin: Báo Người lao động