Giáo dục

Đề tham khảo thi THPT quốc gia: Học sinh kêu khó, giáo viên thận trọng

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhận định chung của các trường tại Hà Nội là không thể chủ quan.

Hà Nội hướng dẫn các trường tổ chức cho thí sinh tự làm đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2017

Tiếp cận đề tham khảo của Bộ GD-ĐT, không ít thí sinh lo lắng khi đề thi không dễ vượt qua, đặc biệt là nếu muốn đạt điểm cao, lấy kết quả xét tuyển đại học. Một số giáo viên THPT cũng chia sẻ, không thể chủ quan với đề thi trắc nghiệm vì rất dễ chọn nhầm phương án trả lời, dẫn tới mất điểm.

Lo không được điểm cao

“Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo, em rất hào hứng làm ngay đề Toán. Tuy nhiên, so với đáp án, em thấy mình chỉ đạt 5 điểm dù đã cố gắng làm hết sức, đúng thời gian. Em rất lo bởi nếu bước vào kỳ thi thật thì kết quả còn có thể thấp hơn vì vấn đề tâm lý” - Nguyễn Hoàng Kim, học sinh trường THPT Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Còn với Phan Hoàng Anh, học sinh trường THPT Kim Liên, việc chọn bài thi Khoa học tự nhiên khiến em khá căng thẳng. “Chỉ khi làm đề tham khảo mới thấy, trong vòng 150 phút, làm 3 môn thi không dễ chút nào. Đặc biệt, với môn Hóa, câu hỏi khó, dài. Qua đề tham khảo lần này em thấy mình còn phải cố gắng nhiều” - Hoàng Anh chia sẻ.

Ngày 15-5, hầu hết các trường THPT Hà Nội đều họp giáo viên phụ trách bộ môn lớp 12 để nghiên cứu đề tham khảo của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, thay vì vội vã làm đề thi, các giáo viên đều hướng dẫn học sinh bình tĩnh, chờ nhà trường hướng dẫn thực hiện để đảm bảo đánh giá đúng thực chất khi tiếp cận đề thi.

“Đề tham khảo sẽ được các tổ bộ môn phân tích, nghiên cứu để có định hướng cho việc ôn tập trong thời gian này. Các giáo viên đều rất nghiêm túc và thận trọng phân tích đề thi để hiểu được cấu trúc, yêu cầu đề thi. Về phía học sinh, nhà trường sẽ in đề cho từng học sinh; đảm bảo tất cả học sinh đều được tiếp cận đề tham khảo và bố trí tự làm trong thời gian quy định. Kết quả sẽ được giáo viên xem xét, phân tích và đưa ra định hướng cho từng học sinh trong việc bổ sung kiến thức, cách làm bài thi trong giai đoạn này” - ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cho biết.

Không chủ quan sau khi có đề thi

Bên cạnh tâm lý lo ngại vì điểm làm bài thi tham khảo không cao thì cũng có những thí sinh vui mừng vì kết quả làm bài khá tốt. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), cả học sinh và giáo viên đều không được chủ quan với đề thi lần này.

“Các tổ bộ môn của nhà trường đang rất khẩn trương phân tích đề tham khảo. Cùng với thông tin từ các đề minh họa lần trước, nhà trường sẽ bám sát cách ra đề của Bộ GD-ĐT để tổ chức cho các học sinh lớp 12 thi thử lần cuối, sau khi học sinh tiếp cận với đề thi tham khảo, tự đánh giá năng lực của mình. Các giáo viên sẽ chữa từng câu hỏi cụ thể trong đề thi tham khảo cho học sinh lớp mình phụ trách, đưa ra các phương án làm bài, kỹ năng làm bài thi, chỉ rõ sai lầm học sinh thường mắc phải, định hướng việc học ôn thi” - bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi tham khảo được Bộ công bố lần này là tài liệu quan trọng giúp giáo viên, học sinh có cách nhìn khái quát về mức độ, phạm vi kiến thức, cấu trúc của đề thi THPT quốc gia năm 2017.

“Để học sinh lớp 12 được chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu Hiệu trưởng trường chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh tự làm đề thi tham khảo với thời gian làm bài theo quy định. Căn cứ đáp án đề thi tham khảo, học sinh tự chấm điểm bài thi của mình, tự đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017” - ông Chử Xuân Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu nhà trường tăng cường phối hợp với gia đình trong công tác quản lý học sinh, công tác dạy và học, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có được môi trường ôn thi THPT quốc gia đạt hiệu quả cao.

Tác giả: Vinh Hương

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP