►Cô giáo cho hơn 40 bạn cùng lớp tát vào mặt học sinh
Khoan hãy bàn đến nghiệp vụ sư phạm, cái đáng nói nhất là cái Tâm của một người mẹ, một nhà giáo, cô đã để cơn giận dữ xóa nhòa, làm bay biến đi sự thương yêu học trò.
Học trò cấp 1, hẳn phụ huynh nào cũng hiểu là các em rất nghịch ngợm, có khi ở nhà bố mẹ nói năm lần bảy lượt cũng không nghe, ham chơi quên giờ cơm, bày nhiều trò chơi khiến người lớn bực tức như bày bừa khắp nhà, sách vở vứt lung tung, quần áo lấm bẩn, đua đòi theo các bạn nói tục, chửi bậy, nói trống không. Bố mẹ nhiều khi phải dùng tới roi vọt để khiến các em chừa thói xấu. Nhưng khi đã làm nghề, nhất là nghề giáo thì không thể dùng bạo lực với học trò. Người lớn chúng ta luôn dạy trẻ nhỏ phải biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia với người thân, với bè bạn thì không có cớ gì cô giáo lại ra lệnh cho cả lớp “xử” 1 bạn vì tội "nói bậy với lớp trưởng". Hành động mà cô giáo nhận là vô thức "không hiểu sao lúc ấy lại làm thế" khiến cho bất cứ ai cũng phải phẫn nộ.
Con tôi đang là học sinh tiểu học, tôi dõi theo con từ những ngày con mới vào lớp 1 và hiểu rõ tâm lý của trẻ con: có khi ở nhà các con không biết sợ bố mẹ nhưng ở lớp cô mắng, phạt đứng xó, trừ điểm vì tội nói chuyện là con rất sợ. Cô nhắc nhở nhiều lần nhưng con tiến bộ rất ít, thế mới biết các cô giáo ở cấp tiểu học phải nhẫn nại và bao dung với học trò biết bao!
Tâm lý của các con độ tuổi cấp 1 rất nhạy cảm. Con tôi đi học mắc lỗi mà cô bắt về viết kiểm điểm có chữ ký của bố mẹ là con đã nước mắt vòng quanh, sợ bố mẹ đánh đòn. Nếu mẹ dọa không ký thì con càng khóc to vì lo cô phạt đứng góc lớp. Tôi hiểu một điều là với trẻ nhỏ thì chỉ cần dọa dẫm là chúng đã hoảng hốt, sợ sệt. Vậy mà cô giáo đã quên hẳn khẩu hiệu "tình thương và trách nhiệm" để ra lệnh trừng phạt học trò, cho 43 học sinh lần lượt tát vào mặt 1 học sinh. Có thể 1 tuần, 10 ngày những vết lằn đỏ trên gương mặt em sẽ lặn đi nhưng em sẽ dễ gì quên được cái cảm giác mình bị bạn bè tấn công như kẻ thù?
Việc nhà trường quyết định đình chỉ cô giáo cho 43 bạn tát vào mặt học sinh 1 học kì, chuyển làm công tác khác là kịp thời và cần thiết để trấn an tinh thần của em T.L cũng như lấy lại niềm tin ở nhiều phụ huynh.
Lời xin lỗi của cô giáo tới gia đình và bản thân em T.L. có thể xoa dịu sự bức xúc của cha mẹ em nhưng tôi e rằng, trong tâm trí đứa trẻ 10 tuổi ấy vẫn còn đó sự sợ hãi, sự hoài nghi về tình yêu thương của bè bạn và thầy cô.
Tác giả bài viết: Thanh Mai (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Nguồn tin: