Kinh tế

ĐBSCL: Giá lúa rớt thê thảm

Giá lúa ở ĐBSCL đang giảm mạnh với mức bình quân 1.000 đồng/kg. Nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu tiền mua lúa dự trữ dẫn đến nông dân bị thương lái ép giá

Các tỉnh, thành ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch đông xuân. Tuy nhiên, từ sau Tết nguyên đán, giá lúa nơi đây đột ngột giảm mạnh khiến nông dân lo lắng.

Bị thương lái ép giá

Theo ghi nhận, tại một số xã của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, giá thu mua ngày 15-2 đối với lúa Nàng Hoa khoảng 4.900 đồng/kg, lúa IR50404 là 4.300 đồng/kg. Mức giá này giảm 300-400 đồng/kg so với trước Tết nguyên đán và giảm gần 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm 2018. "Không hiểu sao giá lúa rớt thê thảm như vậy. Nông dân buộc phải bán vì không có chỗ trữ lúa, vả lại cần có tiền để trả nợ vật tư" - nông dân Dương Công Lý (ngụ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh) bày tỏ.

Mới vào đầu vụ thu hoạch đông xuân nhưng giá lúa đã giảm khiến nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lo lắng Ảnh: NHA MÂN

Nhiều nông dân ở huyện Tân Thạnh, Tân Hưng của tỉnh Long An cũng đang lo lắng trước việc giá lúa giảm đột ngột. Ông Nguyễn Văn Hậu (ngụ xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) nói so với vụ đông xuân năm ngoái, giá lúa hiện đã giảm trên 1.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ tính riêng giá lúa giảm, mỗi hecta lúa, nông dân mất khoảng 8 triệu đồng.

Còn theo phản ánh của nông dân Dương Thanh Lang (ngụ ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), có hiện tượng thương lái ép giá. "Ban đầu, thương lái đặt cọc mua lúa OM-0049 với giá 5.400 đồng/kg nhưng bữa nay họ ép xuống còn 4.800 đồng/kg; lúa thơm nút VD20 từ 7.000 đồng/kg giảm còn 6.700 đồng/kg. Nông dân chúng tôi đang đứng ngồi không yên" - ông Lang lo lắng.

Ông Nguyễn Thanh Sang (ngụ xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết cách nay khoảng 3 ngày, các thương lái chạy ghe lớn đến khu vực này thu mua loại lúa thường IR 50404 với giá 4.400 đồng/kg, lúa thơm hạt dài cao hơn - khoảng 300 đồng/kg. Còn trong ngày 15-2, thương lái chỉ đồng ý mua với giá giảm thêm 100 đồng/kg. "Điều này khiến nhiều nông dân lo ngại giá lúa sẽ tiếp tục giảm, tìm mọi cách bán tháo" - ông Sang hoang mang.

Gỡ khó cho nông dân

Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết đến thời điểm hiện tại, tình hình xuất khẩu gạo vẫn khá ổn định. Giá gạo xuất khẩu đang đứng ở mức cao, với gạo thường loại IR 50404 là 350 USD/tấn và gạo thơm là 410 USD/tấn. Việc giá lúa sụt giảm trong những ngày gần đây là do các doanh nhiệp (DN) chưa có nhu cầu thu mua vì hàng tồn kho nhiều dẫn đến việc nông dân bị thương lái ép giá.

Trước thông tin cho rằng thương lái bắt tay với DN để o ép nông dân dẫn đến giá thu mua lúa giảm mạnh, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), khẳng định không có cơ sở. Nguyên nhân chính là do từ đầu năm 2019 đến nay, các DN chưa có hợp đồng xuất khẩu nên thiếu tiền mua lúa trong dân, dẫn đến cung vượt cầu. Do vậy, ông Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng cho DN vay vốn mua lúa trong dân để tạm trữ chờ xuất khẩu.

Nhằm tìm giải pháp tiêu thụ lúa cho nông dân, UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức họp với các sở - ban - ngành liên quan, 11 DN xuất khẩu gạo và 12 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Tại cuộc họp, các DN cũng kiến nghị ngân hàng tăng hạn mức đối với DN vay vốn mua lúa nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện đã có 1.123/81.264 ha lúa đông xuân tại địa phương được thu hoạch với tổng sản lượng dự kiến 570.000 tấn. "Giá lúa đang xuống thấp với mức bình quân 1.000 đồng/kg so cùng kỳ và khó tiêu thụ. Nếu không kịp thời thu mua lúa trong dân thì giá lúa còn tiếp tục giảm" - ông Hè nhận định.

Tác giả: CA LINH - NHA MÂN - THỐT NỐT

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: Giá lúa , thị trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP