Giáo dục

Dạy sao khi trò chưa tôn trọng việc học?

Sự việc cô giáo ở trung tâm tiếng Anh mắng chửi học viên mấy ngày vừa qua đã làm dấy lên những trao đổi giữa các thầy cô giáo xung quanh chủ đề kỷ luật học tập.

Thầy giáo Mai Tiến cho biết không ít lần từng đưa ra những biện pháp kỷ luật tiêu cực: bắt học sinh chép phạt, bắt học sinh đứng ngoài hành lang, xé bài học sinh khi học sinh cố tình nộp giấy trắng, vô cớ la mắng học sinh vì không thể kiềm chế được. Cho đến khi làm việc với các bạn sinh viên học chuyên ngành giảng dạy thì thầy giáo này cũng phát hiện ra rằng họ cũng có xu hướng đề ra các hình thức xử phạt khi học sinh vi phạm, thay vì khuyến khích tích cực.Trên một diễn đàn dành cho các giáo viên dạy tiếng Anh, nhiều người cho hay đã từng sử dụng những biện pháp kỷ luật tiêu cực với học sinh và kết quả nhận lại cũng đa dạng.

Thầy giáo Công Hải chia sẻ, việc kỷ luật học sinh bằng các biện pháp tiêu cực chỉ là “cực chẳng đã”. Những học sinh lớn tuổi đi học thường hay muốn đạt hiệu quả tức thì, nhưng ý thức học tập thì không hẳn tốt, “nhiều khi giao bài về nhà rất đơn giản nhưng cũng không làm”.

Cô giáo T.L từng biết những trung tâm dạy thêm đưa ra các biện pháp kỷ luật vô cùng nghiêm khắc, thậm chí là trong lớp lúc nào cũng có 2-3 người cầm thước đi bao quát lớp học, tất cả các vi phạm đều bị đánh, không làm bài tập thì ở lại làm đến khi nào xong mới được về. Nhưng nhiều phụ huynh vẫn rất tín nhiệm những trung tâm này, đặc biệt là những phụ huynh có con ngỗ nghịch, bị nhiều nơi “trả về”. Họ tìm đến đây như một biện pháp cuối cùng.

Tuy nhiên, những trung tâm kiểu này không phải em nào cũng “chịu” được. Có em sau một vài buổi đã quyết định nghỉ học vì cảm thấy bị xúc phạm.

Cô giáo cũng đã từng gặp khó khăn khi nhiều sinh viên lười tự học. Cô cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là động lực tự thân của người học, thay vì động lực từ những tác động bên ngoài.

“Nếu sinh viên tự biết lo nghĩ thì tốt. Nhưng nhiều sinh viên không làm được như thế thì ngoài việc ép buộc nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, sẽ phụ thuộc vào lương tâm nghề giáo và phương pháp sư phạm của giáo viên rất nhiều” – cô giáo chia sẻ.

Giáo viên cần truyền cảm hứng và hiểu học sinh

Đức Thọ - một người từng học qua nhiều trung tâm tiếng Anh – chia sẻ, em đã từng gặp cả hai kiểu phong cách giảng dạy ở 2 trung tâm khác nhau. Giáo viên đều là những thầy cô có tiếng trong giới dạy tiếng Anh.

Theo em, những người đã muốn đi học và có ý thức đi tìm chỗ để học đã là “rất đáng quý”. Vấn đề là người dạy có những hình thức như thế nào để động viên, khuyến khích người học.

Em kể: “Ở một trung tâm, thầy không đưa ra bất cứ hình thức kỷ luật nào, nhưng thầy là một người truyền cảm hứng tuyệt vời. Cả tuần em chỉ mong chờ đến ngày đi học để được thể hiện bản thân mình trong lớp học. Em cảm thấy mình có giá trị và được trân trọng trong lớp học đó. Học ở lớp này em thấy rất tiến bộ”.

“Còn ở lớp học thứ 2, thầy cũng là một giáo viên có tiếng, nhưng phương pháp của thầy hoàn toàn khác. Nếu so sánh thì cô Lê Na hay cô Kim Tuyến chưa là gì với thầy về mức độ ‘chửi như hát hay’. Tuy nhiên, em vẫn cảm nhận được thầy ‘chửi’ câu nào thì thấm câu đấy. Em vẫn tôn trọng và thích cách dạy của thầy”.

Ở vị trí người học, Thọ cho rằng không ai đi học muốn bị phạt cả, mà chỉ thích được khuyến khích, động viên. “Càng phạt thì người ta sẽ càng chống đối”.

Chị Ngọc Anh – nghiên cứu sinh ngành Giáo dục ở New Zealand, là giảng viên môn tiếng Anh tại Học viện Ngân hàng đề xuất, ở Việt Nam cần nhiều hơn những nghiên cứu, dự án về chủ đề làm thế nào để tạo động lực, tạo môi trường gắn kết cho sinh viên.

“Ở Việt Nam rất thiếu cái này. Nếu giáo viên không hiểu học sinh thì không thể biết được họ nghĩ gì, muốn gì và vì sao lại không tham gia tích cực vào các hoạt động hoc tập.Trước khi tìm ra giải pháp hay các hình thức kỷ luật, trách phạt nên có sự tìm hiểu về nguyên nhân và có những ứng xử văn minh, hợp tình người trước. Đó cũng là truyền thống trong nghĩa trọng tình của người Việt Nam” – chị nói.

Phạt trong lớp – Vui là chính

Cho rằng tôn trọng là nền tảng trong mọi mối quan hệ, chị Trịnh Ngọc Anh cũng chia sẻ rằng các biện pháp răn đe, kỷ luật sẽ không có tác dụng nếu cả thầy và trò đều thiếu tôn trọng nhau.

Chị nói: “Mình đi dạy cũng có những nguyên tắc riêng nhưng khá linh động với từng đối tượng. Khi gặp những trường hợp được coi là thiếu tích cực như không làm bài tập, nghỉ học, hoặc không chú ý bài giảng, điều mình làm trước tiên là nhắc nhở riêng (không công khai), sau đó thấy vẫn không ổn thì mình nhắc công khai, nếu vẫn không cải thiện tình hình thì mình thông báo công khai luôn với học sinh là các em phải tự chịu trách nhiệm với kết quả học tập. Và nếu có thể, mình viết thư riêng. Điều mình làm là không trách học sinh là tại sao không tích cực học mà cố gắng tìm ra nguyên nhân tại sao họ lại không tham gia tích cực. Nguyên nhân có thể có rất nhiều và một trong những điều phải xem xét lại đó là chính giáo viên và phương pháp dạy”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo – người đang dạy tiếng Anh cho sinh viên và người đi làm cho biết, hình thức kỷ luật cũng được sử dụng trong lớp học của cô, tuy nhiên ở mức độ nhẹ nhàng.

“Không làm bài tập về nhà thì cuối giờ sẽ bị giữ ở lại 30 phút để làm trước bài tập về nhà ngay trên lớp thay vì được về sớm như các bạn khác. Kiểm tra có báo trước nếu sai trên 5 lỗi sẽ phải đút 10 ngàn đồng vào lợn đất. Tất cả số tiền đó đều được học sinh tự tay đút vào lợn trước sự chứng kiến của tất cả học sinh. Số tiền đó sẽ dùng để liên hoan cuối khoá và dành tặng phần thưởng cho những bạn có tiến bộ nhất…”

Để công khai và nhận được sự hợp tác của người học, tất cả các nội quy và hình phạt đều sẽ được đăng lên nhóm lớp để hỏi ý kiến học viên. Nếu số đông phản đối thì nội quy đó sẽ không được chấp hành. Người dạy sẽ không thể đưa ra một hình thức kỉ luật mà số đông phản đối.

Cô giáo trẻ cho biết, điểm chung của tất cả học viên là không muốn bị mất mặt. Chính vì vậy người dạy cần khéo léo khi phạt học sinh mà vẫn giữ được không khí vui vẻ của cả lớp. Thay vì nói “lên đóng phạt ngay” thì hãy nói “nếu bạn A tiếp tục nuôi lợn đất như thế này thì lớp mình cuối khoá tha hồ liên hoan”, hoặc “bạn A nhanh lên nào lợn đất đang nhìn bạn say đắm kìa”…

Tuy nhiên, cô giáo này cho rằng, kỷ luật chỉ là biện pháp phụ. Ý thức của người học là quan trọng nhất trong quá trình tiến bộ của họ. “Nếu cô giáo có giảng bài hay đi chăng nữa mà về nhà học sinh không xem lại bài hay trong lớp mải nói chuyện, nghịch điện thoại thì người học sẽ chậm tiến bộ hơn các bạn khác. Đi học với một tâm trí hời hợt thì sẽ mất rất lâu để có thể giao tiếp thành thạo tiếng Anh..”

“Những người đi học với mục đích mạnh mẽ và quyết tâm sẽ thường vượt trội hơn nhiều, cho dù xuất phát điểm của họ có thấp hơn”.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP