ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) |
Thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sáng 25/10, nhiều đại biểu đề nghị thực hiện quyết liệt hơn việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương, địa phương, cũng như thẩm quyền giữa UBND và Chủ tịch UBND. Có thế mới tránh được cơ chế trung gian, xin - cho và hiện tượng lệ thuộc vào tập thể, trói buộc quyền và trách nhiệm cá nhân, hội họp nhiều và mất thời gian chờ đợi để quyết định.
Phân quyền nhưng lại yêu cầu “xin ý kiến, chủ trương”
Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), việc sửa luật lần này phải đạt được chủ trương xuyên suốt là đẩy mạnh phân cấp nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Thông qua đó, để chính quyền địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của nhân dân. Hạn chế việc cấp dưới trình chủ trương xin cơ chế, cấp trên thẩm định, phê duyệt chủ trương, cấp trung gian triển khai chủ trương rồi mới thực hiện, làm mất thời gian và hiệu quả.
Theo ông Diến, việc người dân, doanh nghiệp phàn nàn kêu than về thanh tra, kiểm tra chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà có nguyên nhân từ việc phân cấp, phân quyền chưa được đẩy mạnh hoặc đã phân cấp, phân quyền rồi nhưng vẫn yêu cầu “báo cáo, xin ý kiến, xin chủ trương”. Từ đó, nảy sinh ra nhiều cấp trung gian giải quyết. “Đây là điển hình của việc hành cấp dưới, bày đặt hoặc tham mưu đề ra nhiều quy định rườm rà là nguyên nhân của sự lãng phí, là rào cản của sự phát triển”, ông Diến nói.
Nhấn mạnh việc phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương hết sức cần thiết và cấp bách, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề nghị đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ mà chính quyền địa phương có thể đảm đương và chính quyền trung ương có thể kiểm soát. “Chính quyền trung ương chỉ nên tập trung vào việc hoạch định chính sách chung để định hướng phát triển đất nước, còn những việc mà chính quyền địa phương có đủ khả năng, nguồn lực để thực hiện thì nên phân quyền, phân cấp”, bà Hoa đề nghị.
Tương tự về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (UBND) và Chủ tịch UBND, bà Hoa cho rằng, dự thảo luật vẫn quy định rất chung chung, dẫn đến hiện tượng lệ thuộc vào tập thể, trói buộc quyền và trách nhiệm cá nhân, hội họp nhiều và mất thời gian chờ kỳ họp thường kỳ. Do đó, để khắc phục tình trạng này bà Hoa đề nghị bổ sung vào dự thảo luật một nguyên tắc phân quyền theo hướng tập thể UBND chỉ quyết định những vấn đề rộng lớn, đa ngành, những vấn đề phải đệ trình Hội đồng nhân dân (HĐND) và Chính phủ.
Còn lại những vấn đề cụ thể, chuyên ngành thì trao quyền cho cá nhân cho Chủ tịch, Ủy viên UBND quyết định. HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc sử dụng quyền lực của Chủ tịch UBND và các Ủy viên Ủy ban thông qua hoạt động giám sát thường xuyên. “Có như vậy, hoạt động của cơ quan hành chính mới nhanh chóng, kịp thời và phát huy được trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu ở các cấp hành chính. Đồng thời cũng hạn chế được sự tùy tiện khi trao quyền phân cấp trong các văn bản quy phạm pháp luật ở từng bộ, ngành trung ương”.
Vì sao nghị trường "lạnh"?
Đề cập quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ quy định mỗi tỉnh 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách không phụ thuộc vào Chủ tịch là đại biểu chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Bởi trong định hướng của Đảng hiện nay, bí thư tỉnh ủy sẽ kiêm chủ tịch HĐND. Do đó, cần 2 phó chủ tịch HĐND là phù hợp. “Công tác giám sát đòi hỏi chuyên môn rất cao nên cần 2 phó chủ tịch để một phụ trách về kinh tế, một phụ trách về văn hóa xã hội mới đủ chuyên môn sâu để giám sát hiệu quả”, ông Hiểu nêu ý kiến.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) |
Tuy nhiên, ông Hiểu cũng lưu ý việc tăng hay giảm chuyên trách phải trên tinh thần “giảm chỗ nào cần giảm, chỗ nào giữ thì phải giữ”. Đặc biệt quan trọng hơn là phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm đại biểu HĐND chuyên trách các cấp. “Nếu không có người giỏi thì dù có tăng biên chế, giữ nguyên hay như thế nào cũng không giải quyết được.
Đồng thời có thể dẫn đến rất phản cảm, mà có nhiều nơi người ta dùng từ là “nghị gật”, tức là đại biểu không hiểu tình hình địa phương cũng chỉ ngồi như thế thôi, không phát biểu được, nhân dân thì gặp nhiều vấn đề nóng, hội trường họp đại biểu HĐND ở cấp huyện, cấp xã lại rất lạnh, không có đại biểu nào có ý kiến gì cả”, ông Hiểu phản ánh.
“Việc người dân, doanh nghiệp phàn nàn kêu than về thanh tra, kiểm tra chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà có nguyên nhân từ việc phân cấp, phân quyền chưa được đẩy mạnh hoặc đã phân cấp, phân quyền rồi nhưng vẫn yêu cầu “báo cáo, xin ý kiến, xin chủ trương”. Từ đó, nảy sinh ra nhiều cấp trung gian giải quyết. Đây là điển hình của việc hành cấp dưới, bày đặt hoặc tham mưu đề ra nhiều quy định rườm rà là nguyên nhân của sự lãng phí, là rào cản của sự phát triển”. ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) |
Tác giả: VĂN KIÊN
Nguồn tin: Báo Tiền phong