Kinh tế

Đầu tư nhà cao tầng ở Đà Nẵng: Lối thoát từ quy hoạch, mô hình

Giới chuyên môn khẳng định, về nguyên lý, TP.Đà Nẵng có thể 'tiếp nhận' nhà cao tầng (NCT), nhưng cần có thiết kế đô thị quy định rõ khu vực và tìm mô hình kiến trúc phù hợp.

Đà Nẵng định hình khu vực “không phát triển” nhà cao tầng, làm cơ sở để quy hoạch các khu còn lại - Ảnh: N.T

Không thể thiếu nhà cao tầng

Theo KTS Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu (nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng), từ hơn 10 năm trước, TP.Đà Nẵng rất “khát khao” loại hình NCT và đưa ra nhiều quy định khuyến khích.

Nghị quyết 43 Bộ Chính trị về xây dựng Đà Nẵng đến 2030 tầm nhìn 2045 đã định hướng kinh tế biển là 1 trong 3 trụ cột chính phát triển đô thị sinh thái, thông minh, tầm vóc quốc tế và bản sắc riêng. GS-TS, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội KTS VN, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, cho rằng tầm nhìn này đặt cho các KTS nhiều việc phải làm, quy hoạch NCT ven biển giúp phát triển bền vững.

Nhà cao tầng ven biển đang cần có những quy định cụ thể để tạo lối ra cho đầu tư - Ảnh: N.T

Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, đô thị hiện đại không thể thiếu NCT bởi hiệu quả cho nhà đầu tư, người dân và cả ngân sách. Đây là vấn đề 2 mặt nhưng gần đây tại VN hay nhấn vào tiêu cực do phát triển chưa đúng cách, dẫn đến một số mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân. “Đối với không gian ven biển, sông, tư duy thiết kế phải lui lại một bước cho tư duy quy hoạch, để trả lời nơi nào nên và không nên xây. Đà Nẵng có thể tham khảo điển cứu New York, với nhiều điểm giống Đà Nẵng như biển và sông sâu vào bờ. Dù quy mô lớn hơn, New York cũng đang gặp vấn đề trả lại mặt tiền biển cho người dân, và cũng không phải cứ mở lối ra biển là đủ mà phải tính phát triển làm sao với lối ra đó”, ông nói.

Xây ở đâu?

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhất thiết phải có bản đồ quy hoạch làm cơ sở khoa học, việc xây NCT ở đâu phải có luận cứ khoa học chứ không thể theo lối mòn đất càng rộng xây càng cao và theo “nguyện vọng” của nhà đầu tư. Ông gợi ý các khu không nên xây NCT như sân bay, thành Điện Hải, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Khu có thể xây: KCN An Đồn (sau khi di dời), nơi đây tiềm năng phát triển khu lõi tập trung NCT; ven sông Hàn, biển tối kỵ NCT nối nhau thành bức tường thành nhưng có thể tạo các cụm NCT làm điểm nhấn, các tuyến đường theo trục đông - tây từ trung tâm ra biển hình thành đại lộ NCT để vẫn đón gió biển, kéo theo phát triển Metro, BRT công cộng song hành, giải quyết kẹt xe. Các đô thị mới như trung tâm TP mới, sông Cu Đê, khu đô thị logistics cũng cần điểm nhấn NCT…

Một số KTS khác gợi ý khuyến khích phát triển NCT ở các tuyến đường dịch vụ thương mại sầm suất nối biển vào sâu đất liền giúp mở thêm quỹ đất mới phía tây, tăng giá trị đất và thu hút đầu tư. Đồng thời tổ chức lại cấu trúc đô thị ven biển với không gian cao tầng phối hợp thấp tầng xen kẽ không gian xanh, mặt nước, tạo nên hình ảnh đô thị biển sinh động; không thể thêm NCT vào trung tâm TP cũ như bờ tây sông Hàn mà đưa ra lõi đô thị mới như bờ đông sông Hàn, vịnh Đà Nẵng, biển Đà Nẵng… KTS Vũ Quang Hùng nói một cách hình tượng rằng, đô thị như cơ thể, hạ tầng như cái áo, không thể vì cái áo chưa may kịp mà nói cơ thể… đừng lớn nữa. “Do đó, TP đang cùng tư vấn nước ngoài quy hoạch tổng thể, sau đó sẽ có thiết kế đô thị, quy định nơi được và không được làm NCT”, ông nói.

Trước mắt, TP.Đà Nẵng không phát triển NCT quanh sân bay, trên bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành Điện Hải... Đặc biệt, tại trung tâm TP, NCT đã có trong quy hoạch vẫn tiếp tục thực hiện, chỉ tạm dừng NCT xây chen ở trung tâm, đó là gom nhiều thửa đất để xây NCT không có trong quy hoạch. Về các giải pháp kỹ thuật, TS-KTS Lê Vĩnh An, Trưởng khoa Kiến trúc và mỹ thuật ĐH Duy Tân, đề xuất giải pháp thiết kế quy hoạch các khoảng đặc/rỗng hợp lý để gió biển tràn vào vùng lõi đô thị, hài hòa cảnh quan sinh thái. PGS-TS Nguyễn Nam, Khoa Kiến trúc ĐH Xây dựng, gợi ý cần có thiết kế đô thị cụ thể ở khu vực ven biển dự kiến phát triển, phân loại chiều cao (15, 25-30, trên 35 tầng).

Thêm một ý kiến đáng chú ý thuộc về “góc độ” tài chính. Theo GS David Rockwood (ĐH Hawaii tại Manoa) và TS-KTS Nguyễn Hồng Ngọc (Khoa Kiến trúc, ĐH Bách khoa Đà Nẵng), để tận dụng các nguồn lực thị trường, TP.Đà Nẵng có thể sử dụng các ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Thu hồi dự án phải bồi thường theo thị trường

Tại nhiều cuộc họp gần đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, chia sẻ việc TP thu hồi dự án ven biển đang bị một số doanh nghiệp khởi kiện, điển hình như dự án Hòn Ngọc Á Châu. Về các dự án đang điều chỉnh thu hồi để làm không gian công cộng ven biển cho người dân.

Chủ tịch TP khẳng định mọi thu hồi phải dựa trên nguồn lực ngân sách và quyền lợi doanh nghiệp, trên cơ sở sòng phẳng, đồng thuận, bồi thường theo nguyên tắc thị trường. Ông Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu các ngành chức năng tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt đầu tư các dự án đất vàng ven biển.

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP