Cụ thể, dự án đầu tư Aeon Mall Đà Nẵng - Thanh Khê có tổng giá trị đầu tư 3 triệu USD của Công ty TNHH Aeon Việt Nam.
Dự án Nhà máy sản xuất ICT Vina III của Công ty TNHH ICT Vina thuộc Tập đoàn Dentium (Hàn Quốc). Dự án sản xuất pin nhiên liệu 280 tấn/năm và sản xuất răng nhân tạo 260 tấn/năm, tổng vốn đăng ký đầu tư 177 triệu USD, tương đương hơn 4.458 tỷ đồng
Dự án Nhà máy sản xuất khuôn mẫu công nghệ cao VMR, vốn đầu tư 10 triệu USD của Công ty TNHH Liên doanh Viedam.
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Liên doanh Viedam. |
Cuối cùng là dự án đầu tư trung tâm dữ liệu 1.000 rack, trong đó 10 rack cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với trị giá 31,4 triệu USD của Công ty CP Trung tâm Dữ liệu quốc tế Đà Nẵng (Việt Nam).
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố xác định tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế then chốt, chủ lực như: du lịch; logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không; công nghệ thông tin, công nghệ cao. Đặc biệt, ngày 26/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136, trong đó có các cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, tập trung vào các nhóm lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Gần đây nhất, ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị cho phép xây dựng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu nêu trên, TP. Đà Nẵng đã xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền rất nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng.
Cụ thể, Khu công nghệ cao Đà Nẵng có diện tích trên 1.000ha, hiện nay là một trong những khu công nghệ cao có chính sách ưu đãi hàng đầu tư Việt Nam tất cả các lĩnh vực: tiền thuê đất, các thủ tục đầu tư, giao đất, môi trường…
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 136 của Quốc hội, có 3 nhóm chính sách rất ưu đãi cho các lĩnh vực như: đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Để triển khai Nghị quyết 136, Đà Nẵng đã ban hành các nghị quyết cơ chế, chính sách của thành phố ưu đãi các tổ chức quốc tế.
Mới đây, Đà Nẵng đã khai trương Công viên phần mềm số 2, với nhiều chính sách rất ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, thành phố xác định ngoại giao kinh tế là mũi nhọn, đẩy mạnh ngoại giao khoa học công nghệ làm trọng tâm. Với cơ chế chính sách đặc thù và ưu đãi mà Trung ương giao cho thành phố Đà Nẵng như: xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, mô hình Khu thương mại tự do đầu tiên tại Việt Nam và các chính sách ưu đãi khác dành cho khoa học công nghệ, hạ tầng số và các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hợp tác quốc tế của thành phố sẽ tăng tốc, bứt phá hướng đến các hợp tác thực chất, có hiệu quả trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
“Do đó, Đà Nẵng mong muốn nhận được sự kết nối, sự đồng hành từ các địa phương có quan hệ hữu nghị và hợp tác trong việc giới thiệu với các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực mà thành phố ưu tiên. Chúng tôi cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng” ông Quảng nói.
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: vietnamfinance.vn