Tin địa phương

Đau lòng vì sự “đau lòng” của bà Giám đốc sở Y tế Đà Nẵng!!

Dư luận đang dậy sóng khi “bà nghị” – GĐ sở Y tế Đà Nẵng phát biểu tại phiên chất vấn HĐND TP Đà Nẵng rằng việc nhiều bác sĩ giỏi bỏ bệnh viện công là mặt trái của phát triển y tế tư nhân.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường kỳ họp HĐND TP. Đà Nẵng, phần trả lời chất vấn của Giám đốc sở Y tế Ngô Thị Kim Yến đã gây được sự chú ý của dư luận.

Theo người đứng đầu ngành y tế Đà Nẵng, tỉnh này hiện đang phải đối mặt với các vấn đề: quá tải bệnh viện, bội chi quỹ BHYT, biến động nguồn nhân lực y bác sĩ của các bệnh viện…, trong đó việc nhiều bác sĩ giỏi bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư là một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay.

Báo điện tử Vietnamnet ra cùng ngày, đã trích nguyên văn lời bà Yến như sau: “từ khi thành lập một số BV tư đến nay, Sở đã mất 48 cán bộ y tế, trong đó có 23 bác sĩ”. Theo nữ giám đốc, trong số các nhân sự viết đơn xin nghỉ có nhiều lý do nhưng cũng có nhiều người đầu quân sang BV tư.

“Nếu nói về mặt quản lý thì đó là quyền của cán bộ, viên chức. Các trường hợp xin nghỉ việc ồ ạt chúng tôi rất đau lòng. Đây cũng là một mặt trái của phát triển y tế tư nhân…” – bà Yến nói.

​Là một người dân bình thường, khi đọc những dòng trích dẫn trên, tôi đã hết sức ngạc nhiên khi một bác sĩ, nhà quản lý mà lại có tư duy lạ kỳ như vậy.

Tình trạng quá tải bệnh viện công đang là một gánh nặng đối với ngành y tế hiện nay (ảnh minh họa)

Điều thứ nhất tôi tự hỏi: không biết những bác sĩ mà bà đề cập có đau lòng hay không khi mà họ không phải bị thất nghiệp, hay bị bỏ ngành nghề, mà chỉ là chuyển từ một môi trường có thu nhập thấp hơn sang một môi trường có thu nhập cao hơn, từ nơi họ đang phải làm việc quá tải với bệnh nhân chen chúc sang một nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn…?

Bà cho rằng đây là “một mặt trái của phát triển y tế tư nhân” thì tôi càng thấy không thuyết phục. Hơn ai hết, là đảng viên, là lãnh đạo bà hẳn phải thuộc làu Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân, rồi Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cớ sao bà vẫn còn phân biệt công – tư như vậy?

Vẫn biết ngành y tế đang thiếu nhân lực trầm trọng nhưng ngành y tế ở đây là những ai? Phải chăng không có y tế tư nhân? Phải chăng các bệnh viện tư chỉ là bộ phận ngoài rìa (ngoài công lập), chỉ được xem là những doanh nghiệp đi kinh doanh ốm đau, bệnh tật?

Tôi thiết nghĩ, ở cương vị “thuyền trưởng” ngành y tế một thành phố lớn như Đà Nẵng, vốn được mệnh danh là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, bà nên cảm thấy đau lòng khi cái cơ chế vận hành của ngành mình đã không khai sáng được nhân viên y tế, khiến họ phải bung ra đi tìm vùng sáng mới.

​Lẽ ra bà phải “đau lòng” khi họ đã chọn cho mình một trong những nghề nguy hiểm nhất của nhân loại nhưng lại không được trang bị những thứ “áo giáp” cần thiết để bảo vệ sinh mạng của chính mình.

​Lẽ ra bà phải “đau lòng” khi nghề của họ được xã hội vinh danh là nghề cao quý nhưng lại không cao ...lương. Chính bà cũng phải thừa nhận so với lương bệnh viện tư trả thì bệnh viện công không thể bằng.

​Lẽ ra bà phải “đau lòng” khi đây đó vẫn còn xì xào chuyện phong bì, phong bao đang làm xói mòn đạo đức của nghề cao quý, trong khi đó nhiều người dân sẵn sàng vào bệnh viện tư, trả tiền khám chữa bệnh cao hơn nhưng được đối xử bình đẳng và không cần phải lo giấm dúi nhét phong bì cho bác sĩ, y tá.

Và, còn rất nhiều điều bất cập của ngành y tế đang rất cần bà phải “đau lòng” chứ không cần thiết phải “đau lòng” khi chứng kiến nhân viên của mình rũ bỏ chiếc áo khoác biên chế để đi tìm chân trời mới.

Lại nói chuyện biên chế, thử ngẫm mà xem, đất nước này đang phải gồng mình lên trả lương cho một bộ máy hành chính cồng kềnh, làm việc thiếu hiệu quả và đang kêu gọi tinh giản biên chế. Ấy thế mà có một số bác sĩ, nhân viên y tế bỏ biên chế, từ chối nhận lương để trở thành người đóng thuế lại khiến cho một nhà lãnh đạo “đau lòng” và cảm thấy mất mát. Đến đây tôi nảy ra suy nghĩ: phải chăng, với bà, y tế tư nhân khốn khổ đến vậy sao? Những người rời bỏ “miếng bánh” nhà nước tội nghiệp đến vậy sao?

​Đúng là sự phát triển của bất cứ lĩnh vực gì cũng có mặt trái nhưng theo tôi việc bác sĩ bỏ viện công sang viện tư thì không phải là “mặt trái” mà chính là mặt phải của phát triển y tế tư nhân.

Nếu bà vẫn quả quyết đây là “mặt trái” thì theo tôi chính “mặt trái” này đang làm thay đổi bộ mặt của y tế nhà nước theo hướng tiến bộ. Bởi vì chính sự phát triển y tế tư nhân đang dần xóa đi những “mặt trái” của y tế nhà nước, xóa bỏ độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và người bệnh có thêm lựa chọn, được phục vụ tốt hơn…

Bởi, “chất xám” từ các bác sĩ giỏi không chảy đi đâu khi vẫn là nguồn mạch, huyết quản của dân tộc này.

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP