Hình ảnh của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà Trắng năm 2005. Ảnh:TTXVN |
Năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam sang thăm Mỹ sau 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Là đại biểu Quốc hội tham gia trong đoàn, ông có thể chia sẻ cho độc giả biết rõ hơn về chuyến đi mang tính lịch sử đó?
Thời điểm đó, tôi đang làm ĐBQH khóa 11, cũng là khóa cuối cùng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Năm đó, đoàn đi sang Mỹ có các đại biểu Quốc hội. Đó là một sự kiện đặc biệt trong một thời điểm đặc biệt. Chúng ta đã có 10 năm bình thường hóa quan hệ, kinh tế đã thay đổi nhưng những vấn đề về xã hội, quan điểm giữa hai bên vẫn còn cách xa nhau. Có những người Việt Nam và cả người Mỹ còn phản đối việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong chuyến đi đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất bản lĩnh và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Hình ảnh của nguyên Thủ tướng trong suy nghĩ của ông ra sao?
Quả đúng như vậy. Tôi còn nhớ tối hôm đó là ngày 20/6, hôm sau (ngày 21/6) là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam nhưng cũng là ngày gặp Tổng thống Bush. Thủ tướng đã tới gặp và chúc mừng anh em báo chí. Ông vận bộ quần áo rất giản dị và chia sẻ rất thật rằng: Ở Mỹ là tối thì ở Việt Nam là ban ngày. Đêm đó ông sẽ phải thức suốt đêm để bàn nội dung và sáng hôm sau là người phát ngôn để nêu lên quan điểm về những vấn đề quan trọng trong cuộc gặp mang tính lịch sử.
Tình huống nào trong chuyến đi đó khiến ông nhớ nhất?
Sau buổi tiếp xúc Tổng thống Bush, tối 21/6 có buổi tiếp tân giữa các nghị sĩ, nhà hoạt động chính trị, doanh nghiệp. Một cựu chiến binh người Mỹ đã hất nước và có những lời nói nặng nề với ông John McCain sau khi ông này phát biểu. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã lên phát biểu và nói một câu mà sau này được báo chí nước ngoài đăng rất nhiều, đó là: “Đời là vậy”.
Ông nói như vậy với ý rằng, sẽ có rất nhiều người phản ứng khác nhau sau khi đã diễn ra một cuộc chiến tranh khốc liệt tới như vậy.
Tôi còn nhớ ông John McCain có nói trong buổi hôm đó: “Con người hơn con vật ở chỗ nó biết vượt lên quá khứ để nắm bắt tương lai”. Tứ đó, ông Phan Văn Khải khai thác rất nhiều. Sau này hai nước đã phải vượt lên những ngổn ngang từ quá khứ để xây dựng nên mối quan hệ thắt chặt hơn.
Ông đánh giá gì về hành động của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong tình huống đó?
Tôi cho rằng, đó là một con người có bản lĩnh, nhận thức rõ được tính tất yếu. Người làm chính trị không lý tưởng hóa một cái gì mà phải nhận thức rõ được tính tất yếu để từ đó có phương hướng tích cực. Cánh cửa phải do anh mở ra và dấn bước chứ không ai mở ra hộ cả.
Chuyến đi lịch sử đó đã để lại những thành quả gì, thưa ông?
Chuyến đi đó là chuyến đi khởi đầu và có vai trò rất to lớn. Hàng vạn binh sĩ Mỹ đã bỏ lại xương máu ở chiến trường Việt Nam. Chuyện đối thoại giữa Việt Nam và Mỹ là một việc rất khó. Sau này chúng ta biết tới chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là một bước đột phá. Lợi ích của hai quốc gia đã vượt qua sự khác biệt về chính trị.
Với vai trò là một đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về con người của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Người đứng đầu Chính phủ khi ấy đã để lại những ấn tượng gì trong lòng ông?
Bài phát biểu cuối cùng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải- tôi cho rằng hết sức sâu sắc, cầu thị. Ông nhận những khuyết điểm về mình và mong muốn thế hệ kế nhiệm sẽ khắc phục được những hạn chế để phát triển đất nước. Dù tiếp xúc trực tiếp không nhiều nhưng tôi nhận thấy, nguyên Thủ tướng là người bản lĩnh, không ồn ào mà rất chân phương, thẳng thắn.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Thành Huế
Nguồn tin: Báo Người đưa tin