Thế giới

Dấu ấn của các trùm dầu khí trong bóng đá Uzbekistan

Chủ các tập đoàn dầu khí giàu có được cho là người đỡ đầu cho Bunyodkor vươn lên thành siêu câu lạc bộ bóng đá của Uzbekistan.

Sân vận động 150 triệu USD của câu lạc bộ Bunyodkor tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Ảnh: Bynyodkor.

Trong trận chung kết giải bóng đá U23 châu Á tới đây, đội tuyển Việt Nam sẽ đối đầu với Uzbekistan, quốc gia Trung Á giành độc lập từ năm 1991 và là một trong những nền bóng đá hàng đầu khu vực. Bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất ở quốc gia này và nó cũng nhận được sự đầu tư rất lớn từ các ông bầu, đặc biệt là các trùm dầu khí giàu có, theo Guardian.

Ảnh hưởng của các tài phiệt dầu khí với nền bóng đá Uzbekistan được thể hiện rất rõ đối với trường hợp của Bunyodkor, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở ở thủ đô Tashkent. Được thành lập vào năm 2005, câu lạc bộ non trẻ này từng gây chấn động làng bóng đá thế giới vào năm 2008 khi tuyên bố mời các ngôi sao thế giới như Samuel Eto'o, Rivaldo tới chơi cho mình bằng các hợp đồng "khủng".

"Đầu tôi quay mòng mòng khi nghe họ đưa ra đề nghị trả 25 triệu USD để chơi trong hai hoặc ba tháng", Eto'o kể lại sau chuyến đi tới Tashkent. Khi Eto'o từ chối đề nghị hấp dẫn này, câu lạc bộ Bunyodkor quay sang mời chào Rivaldo, ngôi sao từng giúp Brazil vô địch World Cup 2002. Ở tuổi 36, Rivaldo không có lý do gì để từ chối hợp đồng 14 triệu USD để chơi cho Bunyodkor trong vòng hai năm.

Hợp đồng triệu USD với Rivaldo là một phần trong kế hoạch biến mình thành "siêu câu lạc bộ" của Bunyodkor. Họ đã ký thỏa thuận hợp tác ba năm với Barcelona, thậm chí huy hiệu của họ còn bắt chước hình dáng logo của câu lạc bộ Tây Ban Nha này.

Với các hợp đồng khủng như vậy, câu lạc bộ non trẻ Bunyodkor trở thành á quân giải vô địch Uzbekistan năm 2007 và đi tới trận bán kết giải vô địch câu lạc bộ châu Á (AFC Champions League) 2008. Họ giành siêu cúp Uzbekistan vào năm 2014, 5 lần vô địch giải Oliy Liga của nước này từ năm 2008 đến 2013.

Rivaldo (trái) trong thời gian thi đấu cho Bynyodkor. Ảnh: Blick.


Giới quan sát cho rằng yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công đến mức thần kỳ của Bunyodkor chính là tiền bạc và sự "chịu chơi". Điều này được thể hiện phần nào trên website chính thức của câu lạc bộ, nơi thể hiện logo của 8 nhà tài trợ, tất cả đều là các tập đoàn, công ty dầu khí của Uzbekistan.

Uzbekistan là quốc gia có nguồn tài nguyên dầu khí phong phú. Năm 2006, quốc gia này sản xuất 114.000 thùng dầu mỗi ngày, dù sản lượng vào năm 2016 giảm xuống một nửa theo xu thế giảm giá dầu. Uzbekistan cũng xuất khẩu hơn 10 tỷ mét khối khí đốt sang các nước láng giềng mỗi năm, thu về nguồn lợi quan trọng cho nền kinh tế.

Với chính phủ Uzbekistan, bóng đá đóng vai trò ngày càng quan trọng trong những năm gần đây. Cố tổng thống Islam Karimov năm 2007 từng ký một sắc lệnh miễn giảm thuế trong lĩnh vực bóng đá.

Tuy nhiên, người đứng sau chi hàng chục triệu USD để đầu tư cho câu lạc bộ Bunyodkor lại là một bí mật không được tiết lộ. "Ở Uzbekistan, đa số đều sợ những người có thế lực", Danil Kislov, biên tập viên trang tin tức Ferghana của Uzbekistan cho biết. "Tốt nhất là nên giữ im lặng. Đây là một xã hội khép kín và điều này sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài".

Các chuyên gia cho rằng ông chủ thực sự của Bunyodkor chính là Miradil Djalalov, chủ tịch tập đoàn Zeromax ở Thụy Sĩ đang sở hữu công ty tư nhân lớn nhất ở Uzbekistan. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và bông, điều hành Uzgazoil với mạng lưới trạm xăng trên khắp cả nước. Ở Uzbekistan, Djalalov là một doanh nhân đầy quyền lực được người dân gọi bằng biệt danh "Odil".

Theo bình luận viên Kevin O'Flynn, bên cạnh tác động kinh tế của "Odil", người có ảnh hưởng lớn nhất về chính trị đối với sự trỗi dậy của câu lạc bộ Bunyodkor chính là Gulnara Karimova, ái nữ của Tổng thống Karimov, người từng được tin là sẽ kế nhiệm bố. "Đây là một phần trong chiến dịch giành sự ủng hộ cho con gái của Tổng thống Karimov", Craig Murray, cựu đại sứ Anh ở Tashkent, nhận định.

Karimova từng là nhà ngoại giao của Uzbekistan ở Geneva, sở hữu chuỗi cửa hàng trang sức riêng, thường xuyên tổ chức các bữa tiệc và sự kiện từ thiện. Bà cũng được cho là người kiểm soát mạng viễn thông lớn nhất cũng như lĩnh vực khai thác vàng của Uzbekistan.

Bà Karimova, con gái của cố tổng thống Uzbekistan Karimov. Ảnh: Toronto Star.


Trong các trận đấu với Bunyodkor, cổ động viên đội bạn thường gọi đây là "đội của con gái Karimov" và thường xuyên than phiền về sự ưu ái của trọng tài dành cho câu lạc bộ này. Một số người kể rằng doanh nhân Djalalov thậm chí còn dùng súng dọa cầu thủ đội Pakhtakor sau khi họ cầm hòa Bunyodkor trong một trận đấu, nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng.

Ngôi sao Rivaldo thì tỏ ra rất hạnh phúc với quãng thời gian thi đấu cho Bunyodkor. "Khi tôi kể với cả nhà về đề nghị của Bunyodkor, họ đều sốc và muốn biết về đất nước này", Rivaldo kể. "Có người nói rằng đây không phải là quốc gia phát triển, nhưng hóa ra không phải vậy".

Bóng đá là một thế lực mạnh ở Uzbekistan, nhưng một số nhà phê bình cho rằng cách vung tiền chiêu mộ ngôi sao nước ngoài như câu lạc bộ Bunyodkor không phải là phương pháp phù hợp ở quốc gia nơi lương bình quân đầu người mỗi tháng chỉ ở mức khoảng 222 USD. "Nếu bạn có nhiều tiền như vậy để trả cho các cầu thủ nước ngoài, bạn cũng phải có tiền tăng lương cho người dân", Kislov nói.

Năm ngoái, nhà chức trách Uzbekistan xác nhận bà Karimova đã bị áp dụng "lệnh quản thúc 5 năm" sau khi bị cáo buộc có hành vi tham nhũng từ năm 2015. Cũng vào năm này, Bunyodkor lần đầu tiên không lọt vào vòng play-off giải bóng đá AFC Champions League 2015.

Tác giả: Việt Dũng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP