Kinh tế

Đất "đôi khi nóng sốt" mà nghĩ đến nó người sở hữu "lạnh hết cả người"

Theo ĐBQH Dương Khắc Mai, đất đai vốn không tự phức tạp, nhưng những tác động, các mối quan hệ qua lại đã làm cho nó biến dạng, trở nên nhạy cảm.

Đảm bảo tính thống nhất với các luật khác

Cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên thảo luận sáng 14/11, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ tán thành và nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan.

Đặc biệt là thể chế hóa nội dung Nghị quyết 18, từ đó, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, góp phần sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ông Mai nhấn mạnh, đất đai vốn không tự phức tạp, nhưng những tác động, các mối quan hệ qua lại đã làm cho nó biến dạng, trở nên nhạy cảm, phức tạp và “đôi khi nóng sốt, thậm chí, cứ nghĩ đến đất, giá đất, nhiều người muốn sở hữu nó lạnh hết cả người”.

Đại biểu Dương Khác Mai (Ảnh: Quochoi.vn).

Góp ý về bố cục dự thảo luật, đại biểu đoàn Đắk Nông nêu, việc sắp xếp các chương như dự thảo luật hiện nay chưa phù hợp.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đưa quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai và tài sản gắn liền với đất tại chương 10 lên trước chương 6 để đảm bảo tính logic theo tuần tự là công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, trưng dụng thu hồi đất...

Bên cạnh đó, ông cho rằng, quy định tại Điều 4 dự thảo luật chưa phù hợp quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cần rà soát quy định lại phù hợp, đảm bảo tính thống nhất.

Về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung “quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất”.

Theo đại biểu, quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

Đồng thời, đối với các địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất đai trên phạm vi toàn huyện thì không thể thực hiện theo quy định trên.

Tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Vấn đề giá đất được định như thế nào cũng được các đại biểu bàn luận. Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng, cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân cần xem xét thấu đáo vì vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau.

"Cần nhận thức rõ vấn đề tự thỏa thuận trong chuyển quyền sử dụng đất giữa người dân và doanh nghiệp hay thỏa thuận về giá đất", ông đề nghị cơ quan soạn thảo lấy ý kiến rộng rãi, tổng kết từ thực tiễn, tránh tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài.

Đại biểu Phan Thái Bình (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng cùng một khu vực, nếu Nhà nước thu hồi đền bù theo giá Nhà nước. Nhưng cũng ở khu vực đó, điều kiện như nhau, doanh nghiệp thỏa thuận thì giá cao hơn. Do vậy phát sinh sự so bì và khiếu nại. "Cần quy định tự thỏa thuận ở giới hạn, mức độ nào, thỏa thuận về vấn đề gì", ông nói.

Theo đại biểu tỉnh Quảng Nam, quan điểm của Trung ương phải trên tinh thần tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong việc quyết định quyền sử dụng đất (giao cho doanh nghiệp hay góp vốn, định giá).

Tuy nhiên trong đó cần thống nhất một mức giá theo quy định của Nhà nước để đảm bảo công bằng, minh bạch.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của Luật Đất đai 2013, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo Luật về Bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu cho rằng cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá.

Ông Bình đề nghị cần quy định rõ, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND cấp tỉnh trong việc định giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Đại biểu nêu rõ, tại khoản 1 Điều 163 có quy định việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc như: Theo mục đích sử dụng đất định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật; đảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Tuy nhiên ông đề nghị cần xác định rõ, tường minh thế nào là “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.

Đồng thời, để giá đất tiệm cận với giá thị trường, cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan Nhà nước cũng như các chủ thể liên quan như nhà đầu tư, người sử dụng đất trong quá trình thẩm định giá, giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất cần có sự tham gia của các bên và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP