Dư luận đang xôn xao với việc sinh vật ngoại lai được cho là tôm hùm đỏ, hay còn gọi là tôm hùm đất (tên khoa học Procambarus clarkii) được nuôi lén lút ở Đồng Tháp. Những con tôm này khá hung dữ, có thể đi tới và đi lùi. Người dân còn gọi đó là loại "tôm 10 càng", 2 càng trước chỉ cần kẹp cái “tách” là cây lúa đứt làm đôi...
Loại tôm này hiện được nuôi ở hơn 20 quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc,....
Tại Việt Nam, tôm hùm đỏ bị cấm nhập khẩu về nuôi. Tuy nhiên, nó vẫn được rao bán tràn lan với giá sỉ 180.000-250.000 đồng/kg (chưa sơ chế), giá lẻ 300.000-400.000 đồng/kg. Thậm chí, chúng còn được "hô biến" thành đặc sản, giá hơn 600.000 đồng/kg sau chế biến.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cho biết, loại tôm này bị “cấm” tại Việt Nam vì chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt.
Còn PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) từng cho rằng loại tôm này vừa phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật, kể cả người.
"Xách tay" gián đất Trung Quốc về Việt Nam
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về việc một số hộ dân ở Bắc Ninh nhập khẩu "giống" gián đất Trung Quốc về nuôi. Thậm chí, chuyên gia Trung Quốc còn sang tận nơi giúp họ xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi.
Một số người cho rằng gián đất có khả năng chữa bệnh, làm đẹp. Vì vậy, giá thành của chúng khá cao. Cộng thêm việc dễ nuôi và sinh sản cực nhanh, có thể trong một thời gian ngắn, vài cặp gián đất bố mẹ đã nhân giống lên hàng ngàn con khiến chúng thành món hàng béo bở.
Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT khẳng định, đây là động vật ngoại lai còn xa lạ với người dân Việt Nam, chưa có tài liệu chính thức khẳng định tính có lợi và hiệu quả của việc nuôi gián. Tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm.
Trên thực tế, gián là loài côn trùng có thể làm trung gian truyền một số bệnh như tiêu chảy, dịch tả và là thủ phạm gặm nhấm làm hư hỏng các vật dụng gia đình.
Tuồn sâu lạ Trung Quốc vào Việt Nam
Vào đầu năm 2015, lực lượng chức năng liên ngành khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt giữ một số vụ vận chuyển sâu rồng từ Trung Quốc về Việt Nam, để bán cho các điểm nuôi chim cảnh và người nuôi chim.
Còn tại Hà Nội, loại sâu này đã được bày bán tràn lan từ khá lâu trên một số tuyến phố như Hoàng Hoa Thám, Phùng Hưng,.... Giá nhập tại Trung Quốc khoảng 3-4 Nhân dân tệ/kg, tương đương 13.000-14.000 đồng và khi vào Việt Nam, đến tay người có nhu cầu khoảng 25.000-26.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNN), cho hay, đây là loại sâu được xếp vào nhóm đối tượng dịch hại và có nguy cơ lây lan cao, phá hoại mùa màng nên từ lâu đã bị cấm nhập khẩu, cấm nuôi.
Hiện các loại sâu người nuôi chim mua về để làm thức ăn cho sinh vật cảnh đều được coi là sinh vật lạ, thuộc hệ đa thực hoặc “siêu sâu” - ăn rất nhiều thứ khác nhau nên rất nguy hiểm cho môi trường và mùa màng nếu để phát tán ra tự nhiên.
Nuôi chuột hamster - thú chơi nguy hại
Khoảng chục năm trước, giới trẻ cả nước rộ lên phong trào nuôi và chơi chuột Hamster, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Ưu điểm của giống chuột này là kích thước nhỏ, nhiều màu sắc, hay ngủ ngày, có thể làm trò. Việc mua bán chuột Hamster diễn ra công khai.
Thế nhưng, theo khẳng định của các cơ quan chức năng, chuột Hamster trên thị trường đều là hàng nhập lậu, chưa qua kiểm soát dịch bệnh, do vậy có thể gây dịch bệnh, tàn phá mùa màng...
Chuột Hamster được cho là họ hàng của chuột đồng, sinh sản nhanh, khó kiểm soát số lượng. Lo ngại loài chuột có tốc độ sinh sản nhanh trên có thể vượt ra khỏi giới hạn con vật nuôi chơi trong nhà, Việt Nam đã "cấm cửa" loài vật này từ đầu năm 2008.
Thế nhưng, bất chấp lệnh cấm, những con chuột Hamster vẫn được nhập vào Việt Nam từ Singapore, Trung Quốc.
Sâu róm Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Vào những năm 1965-1970, sâu róm thông gây ra những trận dịch lớn đối với rừng thông ở Quảng Ninh, Bắc Giang và từ đó trở thành đối tượng gây hại nghiêm trọng. Công tác phòng trừ sâu róm thông ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, loài sâu róm hại thông thuộc họ bướm, có vùng phân bố tự nhiên ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Sâu róm thông xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 1950.
Sự lan rộng của sinh vật ngoại lai hiện nay được ghi nhận như một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sinh thái và nền kinh tế thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Đặc biệt, nó càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu và những xáo động về vật lý, hóa học đối với các loài.
Tác giả bài viết: Hạnh Nguyên(Tổng hợp)
Nguồn tin: