Nhân ái

Dang dở giấc mơ được thi tốt nghiệp của nữ sinh lên 9 tuổi vẫn không ăn được cơm

Mang trong mình những căn bệnh dai dẳng, cô gái nhỏ bé vẫn kiên trì theo đuổi 12 năm đèn sách với những ước mơ về tấm bằng tốt nghiệp và cánh cửa đến một tương lai rộng mở. Trớ trêu thay, gần đến kỳ thi, nữ sinh lớp 12 phải nhập viện để làm phẫu thuật tủy sống, tấm bằng tốt nghiệp cũng vì thế mà cách trở nhiêu khê.

Lên 9 tuổi còn chưa ăn được cơm vì... bị sặc

Những ngày đầu tháng 7/2020, bắt đầu xuất hiện cơn đau lưng kéo dài, nữ sinh Chu Thị Thanh (lớp 12A9, trường THPT Ứng Hòa B, Hà Nội) lo lắng đến bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để kiểm tra. Kết quả chụp chiếu cho biết, Thanh bị xẹp cột sống và phải phẫu thuật ngay.

Sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngày 4/8, Thanh được ra viện. Nhưng đã đến sát ngày thi, cô gái bé nhỏ vẫn chưa thể tự ngồi dậy được, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng vì vậy mà bỗng chốc trở thành một giấc mơ.

Ngồi bên chiếc bàn cũ kỹ, ông Chu Quang Đàm (52 tuổi, xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội), bố của Thanh trầm tư chia sẻ, từ nhỏ, Thanh đã phải sống chung với những căn bệnh quái ác. Cho đến nay, cô bé đã trải qua nhiều phen giành giật sự sống, với những cuộc phẫu thuật lớn nhỏ ở khắp các bệnh viện.

Những chia sẻ đầu tiên về cuộc sống của Thanh được hé mở dần từ lời kể của bố: “Khi mới được 1 tuổi, Thanh đã phải vào phòng phẫu thuật hở hàm ếch. Đến năm 2003, lại trải qua cuộc phẫu thuật lần 2, khiến khuôn miệng con không được trọn vẹn bình thường.

Lúc nào cũng phải có khăn giấy và chậu hứng dịch tiết ra, vợ chồng tôi phải thay nhau túc trực để chăm sóc cho con. Lên 9 tuổi, Thanh còn chưa ăn được cơm vì cứ ăn vào là bị sặc. Hằng ngày, chúng tôi cho con uống sữa, ăn cháo hoặc đồ ăn mềm”.

“Chúng tôi vốn dĩ chỉ chờ đến ngày con thi tốt nghiệp xong, sẽ đưa con đi phẫu thuật hở hàm ếch lần 3. Nhưng một tháng trước khi thi, con lại bị xẹp cột sống nên đành phải phẫu thuật tủy sống trước”, khóe mắt ông Đàm chợt đỏ hoe.

Nhắc đến căn bệnh giãn não thất đã luôn đeo bám cô con gái nhỏ, ông lại càng không giấu nổi những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ: “Tôi còn nhớ, năm 2013, Thanh được chẩn đoán bị giãn não thất, bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức “trả về” vì không thể chữa khỏi...”.

Vốn là gia đình thuần nông, kinh tế dựa hoàn toàn vào mấy sào ruộng và công việc thợ xây, phụ hồ của hai vợ chồng, nên khoản kinh phí đều đặn từ 10 - 20 triệu đồng mỗi tháng cho cô con gái nằm viện, là cả một gánh nặng trên đôi vai.

Khó khăn chồng chất khó khăn, gia đình ông bà sinh được 3 người con, con cả không may mất sớm, đến Thanh, lại bị bệnh tật giày vò triền miên. Năm 2011, gia đình đón thêm thành viên mới nhưng cũng phát hiện bị u tuyến giáp. Tiền của hai vợ chồng tích cóp chẳng được bao nhiêu, chỉ chăm chăm dồn vào chữa bệnh cho các con mà vẫn ngặt nghèo.

Dang dở ước mơ vì những cơn đau

Mặc dù sống chung với những căn bệnh quái ác, cô học trò nhỏ nhắn Chu Thị Thanh vẫn cố gắng học tập và từng nuôi ước mơ trở thành một bác sĩ.

“Em kém may mắn hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa, hết mắc bệnh này lại tật kia, nên ngay từ tấm bé, em đã từng mơ ước trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Thời gian trôi, em lớn dần lên và biết mình mang nhiều bệnh nặng, nên hiểu rằng, giấc mơ đó dường như quá đỗi xa xôi. Em chỉ mong có một công việc ổn định để kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ”, nằm trên giường, Thanh nhỏ nhẹ cất lời.

Thương cô học trò nhỏ, cô giáo Chu Thị Quỳnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A9, trường THPT Ứng Hòa B) chia sẻ: “Thanh là một học trò ngoan, em học đều các môn. Năm học vừa qua, Thanh đạt học sinh Giỏi với điểm tổng kết 8,2. Từ đầu tháng Bảy, em đã phải xin nghỉ học để chữa bệnh.

Tôi vẫn thường xuyên gọi điện động viên em, các thầy cô và bạn bè đều động viên Thanh cố gắng tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nhưng có lẽ, tham dự kỳ thi vào lúc này là quá sức đối với em, nên gần đây, tôi cũng tìm hiểu thủ tục, làm hồ sơ xét đặc cách tốt nghiệp THPT và xin huyện đoàn cấp học bổng hỗ trợ cho em”.

Cô học trò nhỏ sinh ra và lớn lên nơi ngoại thành Hà Nội có một tình yêu đặc biệt với môn Tiếng Anh từ khi mới vào lớp 1. Sự đặc biệt ấy được cô lý giải đơn giản rằng: “Mỗi lần học tiếng Anh, em cảm thấy vui”. Năm học vừa rồi, kết quả môn Tiếng Anh của Thanh cũng đứng thứ ba trong lớp với điểm tổng kết là 8,3.

Bí quyết về khả năng ngoại ngữ khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ của Thanh là sự chăm chỉ, bền bỉ. Ngoài thời gian học trên lớp, Thanh còn mày mò, tự học tiếng Anh qua mạng. Tuy nhiên, đôi khi, sự chăm chỉ và hiếu học này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau đầu âm ỉ, xuất hiện mỗi khi suy nghĩ căng thẳng, mà nguồn gốc sâu xa chính là do bệnh giãn não thất không thể chữa khỏi.

Cơ thể không trọn vẹn, giọng nói ngọng nghịu khiến Thanh đôi khi mặc cảm và ngại giao tiếp với bạn bè. “Hồi nhỏ đi học, em thường bị các bạn trêu là đồ đầu to, khuyết tật. Em ngại giao tiếp với bạn bè vì em nói ngọng, các bạn không hiểu. Tuy nhiên, đến giờ, các bạn trên lớp cũng đã thông cảm, chia sẻ nhiều với em. Khi em đi viện về, cô Quỳnh và bạn bè cũng đến thăm và động viên em mau chóng hồi phục”, đôi mắt của cô học trò 18 tuổi thoáng nét đăm chiêu.

Biết con phải sống chung với những con đau dằn vặt thường xuyên, bố mẹ Thanh cũng muốn tạo một không gian thoải mái, không có áp lực học hành. Tuy nhiên, bà Thơm vẫn phải nén tiếng thở dài mà bộc bạch: “Cũng thật may là con gái tôi lại thích học và luôn tự cố gắng trong học tập, lấy việc học làm động lực cho những niềm vui. Con vẫn thường hay nhắc: “Giá mà con có được đi thi tốt nghiệp như các bạn cho trọn vẹn 12 năm học vừa qua”. Tôi nghe mà cũng xót cùng con, nhưng sức khỏe không đảm bảo thì biết làm sao bây giờ?”.

Chuẩn bị hồ sơ gửi sở GD&ĐT để xét đặc cách

Ông Phạm Văn Sáng - Hiệu trưởng trường THPT Ứng Hòa B - cho biết: “Theo quy chế, trong trường hợp thí sinh bị tai nạn, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên mà không thể dự thi; đồng thời thí sinh có học lực và hạnh kiểm từ Khá trở lên đủ điều kiện xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Về trường hợp em Chu Thị Thanh, gia đình cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục nộp về trường để làm hồ sơ xét đặc cách. Trong đó, hồ sơ bao gồm giấy nhập viện, ra viện, học bạ, hạnh kiểm rồi nộp lên để sở GD&ĐT Hà Nội xem xét đủ điều kiện để đặc cách”.

Tác giả: .T-Q.T

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: bệnh tật , nữ sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP