Kinh tế

Dán băng rôn phản đối Uber, Grab là tiêu cực, tự phát và không phù hợp

Xung quanh câu chuyện taxi truyền thống dán băng rôn phản đối, kêu gọi tẩy chay Uber, Grab đang gây xôn xao dư luận, nhiều chuyên gia kinh tế, học giả đã có những ý kiến phản đối, cho rằng đây là phản ứng bất lợi, đi ngược với tự do kinh doanh và chỉ "gậy ông, đập lưng ông".

Trả lời phóng viên Dân Trí về quá trình diễn ra cuộc đấu tranh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Dán logo là cách tiếp cận tiêu cực, tự phát và không phù hợp”, phóng viên Dân Trí xin trích đăng ý kiến của chuyên gia Lan về vấn đề nói trên.

Việc tự phát dán logo dừng Uber và Grab đang gây phản ứng trái chiều (ảnh minh hoạ)


Thưa bà, gần đây việc Hiệp hội taxi Hà Nội có đề xuất dừng khẩn cấp thí điểm Uber, Grab, cao trào là hàng loạt taxi dán logo lên thân xe phản đối Uber, Grab, bà có quan sát và nhận định gì?

- Tôi nghĩ biện pháp và cách thức cạnh tranh hiện nay là bất hợp lý, phi thị trường. Không thể dừng và không thể cấm được. Đối với nghĩa vụ thuế thì Nhà nước cần phải có cách thu thuế tốt nhất đối với doanh nghiệp (DN) mới gia nhập thị trường. Còn nếu không có biện pháp thu thuế hợp lý thì phải tìm mọi cách thu, câu hỏi là có khả năng thu được không? Theo tôi chúng ta cần làm rõ cái gì ra cái đó.

Việt Nam đang rất muốn đi vào hiện đại hoá, công nghiệp 4.0 để phát triển đất nước, tìm động lực mới. Nhưng việc Uber và Grab là sản phẩm kinh tế sẻ chia, hoạt động trên nền tảng công nghệ 4.0 mà mình khuyến nghị bỏ, dừng hoặc đóng cửa thì nó biểu thị điều không hay là chưa gì mình đã sợ, đã né. Việc dán logo chẳng những phản tác dụng mà còn giúp quảng cáo cho Uber và Grab.

Uber và Grab là sản phẩm mới của kinh tế sẻ chia, bản thân ứng dụng này đang được người tiêu dùng đón nhận, theo bà chúng ta nên đối xử với loại hình kinh doanh mới này như nào?

- Tận dụng tài sản xã hội vào kinh doanh sẽ tốt hơn cho nền kinh tế, thay vì mua ô tô, người ta có thể hạn chế để thuê Uber hoặc Grab những khi cần thiết. Nếu trường hợp giá đội lên khung giờ cao điểm, họ hoàn toàn có thể chọn lựa phương thức khác để đi, đâu phải thị trường có mỗi Uber và Grab.

Uber không chỉ gặp phản đối ở Việt Nam mà còn bị phản đối ở 1 số nước khác. Nhưng qua bao nhiêu phản đối, họ vẫn phát triển được, điều đó minh chứng cho nguyên do sự tồn tại của nó.

Đừng khước từ những lợi ích nó mang lại với những lý do chỉ để đảm bảo lợi ích của nhóm này, nhóm kia. Cái tôi sợ nhất là việc cơ quan Nhà nước không thể quản lý được thì cấm, cản... Đó là cái mình bao nhiêu năm bị rồi, với những cái mới đừng áp dụng theo cách đó.

Uber xuất phát từ các nước phát triển, nơi họ có sẵn phương tiện, họ giàu có nhưng họ vẫn sẻ chia lợi ích để tiết kiệm cho nhau, từ đó tiết kiệm chi phí toàn xã hội. Họ giàu có nhưng họ vẫn sáng tạo, có trách nhiệm với xã hội để tận dụng được nguồn lực tối đa để phát triển. Việt Nam chúng ta chưa giàu thì chúng ta phải học từ những cái đó mà công nghệ thông tin là chìa khoá, là cánh cửa để chúng ta mở rộng, chứ thụt lùi, lảng tránh mãi sao được?

Sau kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội dừng khẩn cấp Uber, trả lời báo giới tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh: Cho phép các địa phương tự quyết về thí điểm Uber và Grab trên cơ sở điều kiện hạ tầng và giao thông. Bà nhận định gì về quan điểm này?

- Không thể để chính sách bị xé lẻ trong đất nước được, tỉnh nào muốn gì thì làm là không nên. Ở các địa phương chúng ta thấy rõ các nhóm DN thân hữu với chính quyền địa phương. Vì thế, để cho địa phương được đặc quyền sẽ dẫn đến quyền anh, quyền tôi, sân sau, sân trước. Bằng chứng là bến xe, nhà ga chỉ có 1 hãng được vào kinh doanh qua đấu giá, qua đấu thầu.... Nhưng đằng sau đó là mối quan hệ chằng chịt.

Tôi không đồng tình với đề xuất cho địa phương quyền tự quyết thí điểm Uber vì dễ bị chi phối bởi lợi ích hẹp của địa phương. Nó bác bỏ đi một hình thức kinh doanh mới, tạo ra thói quen lười biếng quản lý, chỉ biết quản, cấm của giới lãnh đạo địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Việc dán logo phản đối là việc sai lầm nối tiếp sai lầm

Cùng nói vấn đề liên quan đến Uber, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico thừa nhận: Việc các xe taxi được dán logo phản đối Uber, Grab là cách làm sai lầm nối tiếp sai lầm.

Trên taxi muốn dán cái gì, in cái gì cũng phải được phép của cơ quan quản lý vì đó là văn hóa phẩm, phương thức quảng cáo. Không phải cứ muốn là làm, nó là thương hiệu, nhận diện doanh nghiệp phải được cấp phép, có quy chuẩn.

Về Luật, Hiệp hội taxi Hà Nội đưa thông tin yêu cầu dừng thí điểm và nói rõ lý do Uber gây tắc đường, nhiều sai phạm về dịch vụ đi chung, chuyển tiền ra nước ngoài và trốn thuế trong khi đó chưa có bằng chứng. Điều này là Hiệp hội taxi có những cáo buộc đối thủ của mình vi phạm, đó là đã vi phạm trắng trợn Luật Cạnh tranh khi luật quy định DN là không được phép nói xấu, gièm pha DN khác dù bất kỳ trường hợp nào.

Phê phán là phải đúng, nghĩa là chúng ta phải kiến nghị cơ quan chức năng thêm điều kiện kinh doanh, quản lý đặc thù hoặc kiến nghị cho giảm các điều kiện hoặc ràng buộc của mình đi để bằng họ để cạnh tranh với họ, đằng này lại đề xuất dừng, loại bỏ họ, như vậy là phi logic, không phù hợp trong đời sống hiện đại.

Về quan điểm của lãnh đạo Bộ GTVT căn cứ cho phép địa phương quyền tự quyết với Uber và Grab: Luật dân sự đã quy định rõ chỉ Chính phủ mới được xem xét cấp phép kinh doanh, rồi mới đến Bộ GTVT, ở đây quan điểm của lãnh đạo Bộ cho địa phương muốn làm gì thì làm là không được. Cấm là vi hiến, vi phạm Bộ Luật dân sự, vi phạm quyền tự do kinh doanh nói chung và quyền chủ thể kinh doanh tại Điều 2.2, Bộ Luật Dân sự.

Tác giả: Nguyễn Tuyền (Thực hiện)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP