Giáo dục

“Đại học Quốc gia, nghe thì hoành tráng nhưng…”

“Sai lầm trong việc tổ chức đại học là chỉ nhìn vào quy mô trường mà không nhìn vào năng lực đào tạo, vào nhu cầu của người học… Xưa nay cứ nói đến Đại học Quốc gia là nói tới sự hoành tráng, quy mô nhưng trong đó không phải trường nào, khoa nào cũng nhận được sự đánh giá cao từ xã hội” - đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhận xét.

Phiên thảo luận về dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học của các đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách, vấn đề gây tranh luận đầu tiên là về mô hình hệ thống cơ sở GDĐH và khái niệm Đại học.

Báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất là của cơ quan thẩm tra (UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở GDĐH gồm có Trường đại học và Đại học (hệ thống các trường đại học). Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống GDĐH là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.

Luật quy định các trường đại học tùy theo nhiệm vụ, chức năng, sứ mệnh, tự nguyện hoặc được nhà nước quy định kết hợp, sáp nhập với nhau tạo thành một tổ hợp/ hệ thống các trường đại học hoặc khi một trường đại học tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường đại học thì được hình thành một Đại học. Hệ thống này được quản lý, vận hành trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích chung, được luật pháp bảo vệ và có những quyền tự chủ của hệ thống.

Mô hình trường đại học trong đại học, theo đó, được cơ quan thẩm tra nhận định là hoàn toàn không mới trong xu hướng phát triển, đồng thời tạo độ mở cho mô hình cơ sở giáo dục đại học, thuận lợi cho việc kếp hợp, sáp nhập, giảm số lượng trường.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, thực tế xây dựng hai ĐHQG đã chứng minh tính đúng đắn của mô hình này khi có cơ chế và nguồn lực phù hợp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nhiều trường đại học đang bày tỏ tâm tư về bản dự thảo luật

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai của cơ quan soạn thảo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở GDĐH gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác, gọi chung là đại học.

Cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật nhận xét, quy định này có vẻ tường minh, công bằng khi coi tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều có cơ hội như nhau về lựa chọn mô hình phát triển là Đại học và phân biệt với nhau chỉ thông qua nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại các thực thể được gọi là cơ sở GDĐH gồm có trường đại học, học viện, đại học.

Quy định này được cho là chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục đại học là Đại học; các cơ sở GDĐH đa lĩnh vực được thành lập các trường trực thuộc bên trong mà chưa phân định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý của các tổ chức này. Từ đó, việc ổn định của hệ thống GDĐH hiện nay có thể bị ảnh hưởng lớn.

Đại học Quốc gia “đẻ” bộ máy trung gian cồng kềnh

Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - người đại diện cơ quan soạn thảo dự luật, nhận xét, quy định về mô hình đại học thể hiện trong bản dự thảo luật mới nhất chưa giải quyết được các vấn đề vướng mắc đã bộc lộ trong thực tế. Ông cho biết, hiện tại có rất nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao chỉ các Đại học quốc gia, đại học vùng được gọi là “đại học” trong khi có rất nhiều các trường uy tín khác như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân… lại không được gọi đúng từ định danh đó.

“Tự nhiên việc phân mô hình tổ chức như thế lại hình thành một cái trần, mà lại gây khó khăn cho việc hội nhập vì khi dịch ra tiếng Anh chẳng hạn, chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường đại học là University” – ông Đam phân tích.

Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng cho rằng, cần nói thẳng thắn về những hạn chế trong mô hình tổ chức 2 Đại học Quốc gia cũng như 3 Đại học vùng hiện nay. Các cơ sở này được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường đại học lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, không phải là đều thuận lợi.

Vậy nên, theo Phó Thủ tướng, phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra sẽ khó tháo gỡ được những bất cập thực tế đã bộc lộ trong khi phương án đề xuất ban đầu của Chính phủ là dựa trên nguyện vọng của nhiều trường, sẽ giải quyết được các vấn đề đó. Ông Đam thông tin: “Anh em các trường đang rất tâm tư với dự thảo luật mới. Không nên chỉ vì tên trường mà ấn người ta ở mức cố định, không được vươn lên”.

Cũng giải trình thêm, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, yêu cầu về việc đào tạo nguồn nhân lực đang buộc các đại học phải năng động, cạnh tranh hơn, mức độ cạnh tranh thậm chí phải với cả quốc tế.

Xu hướng khác của giáo dục đại học là đa lĩnh vực, thậm chí đến trường Y giờ cũng không còn phải là chuyên ngành đào tạo độc lập nữa mà cần thiết phải đứng trong một tổ hợp. Vậy nên các trường đại học đều đang bắt đầu hình thành các tổ hợp như thế.

Ông Bình dẫn chứng, Philippines đã có Đại học Quốc gia với 17 trường đại học thành viên. Nhật Bản cũng đã hình thành Tập đoàn Đại học Quốc gia để giải quyết những bài toán lớn đặt ra ở tầm quốc gia.

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục thuyết phục, phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra thích hợp cho xu hướng, mục tiêu đó.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại hội nghị

Tham gia ý kiến, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận xét, sai lầm trong việc tổ chức, phân loại là chỉ nhìn vào quy mô trường mà không nhìn vào năng lực đào tạo, vào nhu cầu của người học… Theo ông, việc phân loại mô hình theo hướng tư duy này ảnh hưởng lớn đến sức phát triển của giáo dục đại học.

“Xưa nay cứ nói đến Đại học Quốc gia là nói tới sự hoành tráng, quy mô nhưng trong Đại học quốc gia không phải trường nào, khoa nào cũng nhận được sự đánh giá cao từ xã hội. Trong khi đó Đại học Quốc gia lại sinh ra một bộ máy quản lý trung gian cồng kềnh, phức tạp” - ông Nhưỡng nói.

Theo đại biểu, kiểu liên kết của Đại học Quốc gia là liên kết “cứng”, từ một quyết định hành chính của cơ quan quản lý trong khi xu hướng hiện nay là liên kết “mềm”, từ nhu cầu và do sự tự chủ của mỗi trường để liên kết với nhau. Đại biểu nêu quan điểm, tăng quyền tự chủ nghĩa là tạo điều kiện cho liên kết chứ không phải bắt ép trong một mô hình cứng.

Muốn có được sự tự chủ, sáng tạo thực sự cho các trường, nhất định phải lấy kiểm định làm công cụ và chất lượng kiểm định phải được nâng lên. Thực tế, nhiều trường đã bộc lộ bức xúc về hoạt động kiểm định đại học vừa qua khi áp dụng kiểm định chỉ định, chỉ kiểm định cơ sở vật chất mà không kiểm định giáo viên trong khi người dạy, người học mới là yếu tố chính quyết định chất lượng đào tạo.

Tác giả: P. Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP